Cân nhắc việc cấm sử dụng các thiết bị gắn, lắp, kết nối với đồng thời nhiều sim
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 25/10/2023, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi). Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật Viễn thông. Tuy nhiên, về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, đại biểu nhận thấy, điểm a khoản 5 Điều 9 dự thảo Luật quy định chưa phù hợp về các nội dung.
Cụ thể, cấm sử dụng các thiết bị gắn, lắp, kết nối với đồng thời nhiều sim. Đại biểu cho rằng, hành vi phải gắn với đối tượng, trong khi các nội dung đều cấm quy định tính chất của hành vi, có thể gây ra các thiệt hại xã hội. Do vậy, quy định điểm a không phù hợp, đề nghị nên quy định tính chất của hành vi xâm hại đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng, nên quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật, chứ không nên gắn với đối tượng, thiết bị nhiều sim… Cần quản lý thuê bao sử dụng sim đó chứ không nên cấm sử dụng thiết bị.
Bên cạnh đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị không giao Chính phủ quy định thêm các loại thiết bị khác, mà nên quy định rõ các tiêu chí trong luật thì Chính phủ mới có cơ sở để quy định cụ thể.
Liên quan đến vấn đề Nhà nước can thiệp đến đâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông tại điểm e khoản 2 Điều 13, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị cân nhắc theo hướng điểm đ khoản 1 Điều 29 của Luật Giao dịch điện tử, chứ không nên quy định trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối liên tục với cơ sở dữ liệu của Nhà nước vì sẽ xâm hại đến quyền tự chủ kinh doanh và giữ bí mật thông tin doanh nghiệp.
Nội dung này còn liên quan đến tính thống nhất của Luật Viễn thông với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu cho rằng, khoản 4 Điều 20 của dự thảo Luật Viễn thông mâu thuẫn với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó nên bỏ khoản 4 Điều 20 để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Về Điều 73 điều khoản chuyển tiếp, đại biểu băn khoăn việc doanh nghiệp cấp đổi thì có cần tuân thủ điều kiện của luật mới hay không? Nếu tuân thủ điều kiện của luật mới thì không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Đầu tư, nhất là quy định của luật mới đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị các vấn đề cơ bản về thủ tục cần được quy định trong luật cũng như các vấn đề về chi phí, lệ phí. Điều này sẽ tác động đến hơn 100 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện việc cấp đổi, do đó đại biểu nhận thấy, quy định này không phù hợp và cần đánh giá tác động, giải trình cụ thể các vấn đề liên quan.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!