Cần nhiều giải pháp cấp bách để cung ứng đủ điện

Năm 2019, ngành điện đã nỗ lực để cung ứng đủ điện cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu điện là rất cao trong thời gian tới.

Chính vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quyết liệt bảo đảm tiến độ, chất lượng đầu tư các công trình nguồn và lưới điện, siết chặt kỷ luật vận hành, xây dựng kế hoạch cung cấp điện hằng tháng, khai thác hiệu quả các nguồn điện.

Phụ tải tăng cao trong lúc nhiều dự án điện chậm tiến độ

Theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, năm 2019, ngành điện gặp nhiều khó khăn khi thời tiết diễn biến cực đoan, dẫn tới phụ tải điện tăng cao, khô hạn xảy ra tại nhiều khu vực, nguồn cung cấp nguyên liệu than, khí cho sản xuất điện gặp khó khăn. Cùng với đó, rất nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ khiến nhiệm vụ bảo đảm đủ điện cho đất nước là thách thức lớn đối với EVN. Song, phát huy vai trò chủ lực trong ngành năng lượng, EVN đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu, trong đó tập trung huy động cao sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than, huy động cả nguồn điện chạy dầu giá cao, bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và đời sống của nhân dân.

Tính đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 54.880MW. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ hai khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới. Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2019 đạt 231,1 tỷ kWh, tăng 8,85% so với năm 2018. Điện thương phẩm năm 2019 đạt 209,42 tỷ kWh, tăng 8,87% so với năm 2018. Công tác điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nguồn điện trong hệ thống. Đến nay, toàn bộ 12/12 dịch vụ điện cấp độ 4 của EVN đã kết nối xong với Cổng dịch vụ công quốc gia. EVN là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên tiên phong hoàn thành việc đưa tất cả dịch vụ điện năng ở cấp độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện. Đáng chú ý, tổn thất điện năng năm 2019 toàn tập đoàn ước đạt 6,5%, thấp hơn 0,2% so với kế hoạch và vượt trước một năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao…

 Công nhân ngành điện sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện. Ảnh: MINH ĐỨC

Công nhân ngành điện sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện. Ảnh: MINH ĐỨC

Điểm nhấn quan trọng của EVN trong năm 2019 là thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư các dự án điện được giao, đã hoàn thành nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện, như: Hoàn thành phát điện thương mại Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 4 mở rộng (600MW) vượt tiến độ 3 tháng; hòa lưới phát điện NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng (688MW). Các đơn vị đã hoàn thành 3 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 140,15MWp. Toàn tập đoàn khởi công 196 công trình và hoàn thành 192 công trình lưới điện 110-500kV.

Cần đa dạng hóa các loại hình phát điện

Hiện nay, yêu cầu đặt ra với ngành điện hết sức nặng nề. Đó là phải bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng đủ điện cho phát triển KT-XH và tiêu dùng của nhân dân, không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, khoảng 10%/năm. Để thực hiện yêu cầu này, EVN cần đa dạng hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý; về phát triển lưới điện, cần nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện nhằm nâng cao chất lượng điện năng; tập trung vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước.

Năm 2020 dự kiến sẽ có nhiều khó khăn trong vận hành hệ thống điện vì nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn so với dự báo, việc cung cấp than, khí và lượng nước trong hồ chứa thủy điện tiếp tục không thuận lợi. Cùng với đó, công tác bảo đảm cân đối tài chính của EVN gặp nhiều khó khăn, bởi chi phí đầu vào của sản xuất điện có xu hướng tăng (như giá than, khí cho sản xuất điện); tỷ trọng nguồn phát giá thành cao tăng, trong đó, sản lượng huy động điện chạy dầu ước khoảng 3,4-6 tỷ kWh... đặt ra không ít thách thức cho công tác đầu tư xây dựng của EVN.

Trước bối cảnh trên, ông Trần Đình Nhân cho biết, trên cơ sở tính toán cung cầu điện năm 2020, EVN nhận định hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển KT-XH và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành chỉ thị tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2025 với chỉ tiêu tiết kiệm điện năm 2020 bằng 2% điện thương phẩm, đến năm 2025 bằng 5% (chỉ tiêu mỗi năm tăng 0,5-1%); sớm xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù để đầu tư các dự án điện cấp bách; chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án điện…

Ngoài ra, EVN kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế giá điện mặt trời và cơ chế đấu thầu cạnh tranh; hoàn thiện quy trình thủ tục, cơ chế chính sách đối với các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao). Đặc biệt, đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nguồn điện ngoài EVN bảo đảm tiến độ các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh; chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bảo đảm sản lượng khí Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ ở mức cao để cấp cho phát điện. Trong trường hợp thiếu khí, ưu tiên sử dụng khí cho phát điện.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-nhieu-giai-phap-cap-bach-de-cung-ung-du-dien-610405