Cần phải hỗ trợ thêm các doanh nghiệp tư nhân trong nước sản xuất hàng Việt
GS.TS Võ Đại Lược đề xuất, trước hết Chính phủ phải có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và hộ gia đình. Những chính sách này phải có sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ.
Sau đại dịch COVID-19, các sản phẩm hàng hóa “made in Việt Nam” ngày càng được ưa chuộng tại thị trường trong nước, nhờ vào chất lượng ngày càng cải thiện, giá cả cũng phải chăng.
Trên thực tế, hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%.
Tuy nhiên, sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình.
GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, xuất phát từ thực tế hiện nay thế giới đang trải qua nhiều biến động như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu,... tác động đến các quốc gia trên thế giới. Trong đó, các doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, từ đó đặt ra và phải có chiến lược kinh doanh lâu dài để ứng phó với những thay đổi bất thường từ tình hình thế giới.
Theo GS.TS Võ Đại Lược, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình đang được nhận ưu đãi thấp, dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức đặt ra.
Để cuộc vận động đạt hiệu quả cao, GS.TS Võ Đại Lược đề xuất, trước hết Chính phủ phải có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và hộ gia đình. Những chính sách này phải có sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ.
Nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam là động lực quan trọng của nền kinh tế, GS.TS Võ Đại Lược đề nghị, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ kỹ thuật, đồng thời có thêm ưu đãi doanh nghiệp Việt Nam, để tạo ra lực đẩy cho sự đổi mới, sáng tạo, giải quyết vấn đề lao động tốt.
GS.TS Võ Đại Lược cho rằng, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tự phấn đấu vươn lên. Hiện nay các doanh nghiệp trong nước thực hiện sản xuất kinh doanh chưa thực sự đột phá.
Do đó, các doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong quản lý nhân sự, khuyến khích sử dụng lao động nước ngoài, tuyển dụng người tài vào làm việc, kết hợp hiện đại hóa cơ chế quản trị, tiếp thu, học hỏi từ các doanh nghiệp nước ngoài để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới trong kinh doanh.
Để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đề xuất, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường nội địa, tránh biến động giá.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm cho người dân, đẩy mạnh tiếp cận vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng và tiện lợi nhất.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua nhiều năm triển khai thực hiện đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực và triển vọng về tiêu dùng hàng Việt.
"Thành tựu của cuộc vận động cần tiếp tục lan tỏa và phát huy trong thời gian tới, để hàng hóa Việt Nam tiếp tục trở thành hàng hóa cung ứng, ưu tiên cho người Việt Nam", ông Quốc Anh nói.