Cần phát động, khuyến khích học sinh, phụ huynh, GV tố giác khi nghi ngờ SGK giả

Theo Đại biểu Quốc hội, cần có những giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sách giáo khoa giả tràn lan, bảo vệ quyền lợi của học sinh, nhà trường và xã hội.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ liên quan đến in ấn, sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả. Dù vậy, vấn nạn này vẫn là bài toán nhức nhối, gây ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, phụ huynh, người sử dụng sách cũng như gây thất thu ngân sách nhà nước.

Sách giáo khoa giả gây ra những hệ lụy nghiêm trọng

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, sách giáo khoa giả gây ra những hệ lụy nghiêm trọng ở nhiều mặt khác nhau.

 Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Tú Anh, về mặt giáo dục, sách giáo khoa giả có thể có nội dung sai lệch, thiếu chính xác, dẫn đến việc học sinh tiếp thu kiến thức sai lầm, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự phát triển nhận thức của các em.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa giả thường được in ấn với chất lượng kém, sử dụng giấy mỏng, mực in nhòe, ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe học sinh. Việc sử dụng nhầm sách giả có thể khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc giảng dạy, do nội dung sách không thống nhất với chương trình học và tài liệu giáo dục.

Về mặt kinh tế, sách giáo khoa giả cạnh tranh không lành mạnh với sách thật, ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà xuất bản và tác giả chính thống. Người tiêu dùng mua phải sách giả sẽ bị mất tiền oan, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, đặc biệt là đối với những gia đình có thu nhập thấp. Sách giả nếu ở ngoài thị trường nhiều khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường sách, dẫn đến việc hạn chế mua sách, ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa và xã hội.

"Về mặt pháp lý, việc in ấn, sản xuất, buôn bán và sử dụng sách giả là hành vi vi phạm luật bản quyền. Việc sản xuất và buôn bán sách giả có thể liên quan đến các hoạt động phi pháp khác như in ấn lậu, buôn lậu, trốn thuế... gây mất an ninh trật tự xã hội.

Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh, cần có những giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sách giáo khoa giả, bảo vệ quyền lợi của học sinh, nhà trường và xã hội.

Đại biểu chia sẻ: "Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường sách, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, buôn bán sách giả.

Đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về cách phân biệt sách thật và sách giả, khuyến khích người tiêu dùng mua sách tại các cửa hàng uy tín. Hỗ trợ các nhà xuất bản trong việc áp dụng các công nghệ chống giả mạo, đồng thời có chính sách ưu đãi để giúp các nhà xuất bản hạ giá thành sách giáo khoa. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tác hại của sách giả và tầm quan trọng của việc sử dụng sách thật đối với học tập và giáo dục".

Có thể thấy, nạn in ấn, sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả đã kéo dài nhiều năm nay. Hiện nay, với sự xuất hiện và phát triển của thương mại điện tử thì tình hình càng trở nên phức tạp. Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh đưa ra một số kiến nghị:

Theo đó, cần bổ sung quy định về chống sách giả, sách lậu trên môi trường thương mại điện tử. Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia vào hoạt động thương mại điện tử trong việc ngăn chặn sách giả, sách lậu.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh sách giáo khoa trên các sàn thương mại điện tử, xử lý nghiêm các vi phạm. Thành lập lực lượng chuyên trách kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh sách giáo khoa trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử uy tín, chuyên cung cấp sách giáo khoa chính hãng và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động in ấn, xuất bản sách giáo khoa, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, có thể áp dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc như mã QR, tem chống giả để giúp người tiêu dùng phân biệt sách thật và sách giả. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, phụ huynh và người tiêu dùng về tác hại của sách giả, sách lậu cũng như cách phân biệt sách thật, sách giả.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các nhà xuất bản, các nhà sách và người tiêu dùng để thực hiện hiệu quả các giải pháp chống nạn in ấn, sản xuất, buôn bán sách lậu, sách giáo khoa giả.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh: "Việc xử lý vi phạm sách giáo khoa giả, sách giáo khoa lậu cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm xử lý hành chính, hình sự và dân sự, đồng thời chú trọng công tác phòng ngừa. Chỉ có như vậy mới có thể đẩy lùi hiệu quả nạn sách giả, sách lậu, góp phần bảo vệ quyền lợi của học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục".

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh cho rằng,việc phát động người dân, phụ huynh mạnh mẽ tố giác, cung cấp thông tin sách giáo khoa giả đến cơ quan chức năng, nhà xuất bản và đơn vị báo chí là một trong những giải pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng sách giả tràn lan.

Đại biểu lý giải: "Sách giả không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn gây thiệt hại cho ngành xuất bản, vi phạm quyền lợi của học sinh và nhà xuất bản chính thống.

Người dân, phụ huynh là những người trực tiếp sử dụng sách giáo khoa, do đó họ có thể dễ dàng phát hiện ra sách giả. Việc họ tố giác sách giả sẽ giúp cho cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, ngăn chặn việc sách giả lưu thông trên thị trường. Hơn nữa, khi người dân tham gia tố giác sách giả, họ cũng sẽ nâng cao ý thức về việc sử dụng sách chính hãng, góp phần đẩy lùi nạn sách giả".

Tuy nhiên, để việc phát động tố giác sách giáo khoa giả hiệu quả, Đại biểu Quốc hội Tú Anh đưa ra một số vấn đề cần lưu ý. Theo đó, cần có biện pháp bảo vệ người tố giác khỏi sự trả thù của các đối tượng vi phạm. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, phụ huynh trong việc tố giác sách giả. Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng góp phần tạo sức răn đe và khuyến khích người dân tham gia tố giác.

Ngoài ra, theo Đại biểu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà xuất bản, đơn vị báo chí và người dân để thực hiện hiệu quả việc phát động tố giác sách giáo khoa giả.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Liên quan đến vấn nạn sách giáo khoa giả, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, muốn ngăn chặn nạn sách lậu, sách giáo khoa giả thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, xuất bản, tác giả, cả học sinh, phụ huynh, nhà trường và thậm chí là cả xã hội.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Báo Thanh tra.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Báo Thanh tra.

"Cứ dịp đầu năm học mới, phụ huynh có nhu cầu mua sách giáo khoa cho con em mình. Tuy nhiên nếu không cẩn thận thì có thể mua nhầm sách giáo khoa giả, mà việc sử dụng các loại sách này gây ra những hệ lụy rất lớn.

Đây là một vấn đề nhức nhối trong thời gian vừa qua. Mỗi lần tiếp xúc cử tri thì bà con có phản ảnh với tôi về vấn đề này. Sách giáo khoa giả làm xáo trộn thị trường, cạnh tranh với những loại sách giáo khoa chính thống được in ấn, kiểm duyệt nghiêm ngặt. Đây cũng là một điểm tối cho thấy hoạt động mua, bán, in ấn sách giáo khoa còn nhiều bất cập", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đánh giá.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, người tiêu dùng, đặc biệt là phụ huynh học sinh, cần cảnh giác và chọn mua sách giáo khoa từ những nguồn uy tín để đảm bảo chất lượng học tập. Các cơ quan quản lý, truyền thông cần có những khuyến cáo cụ thể, phân biệt sách giáo khoa thật và sách giáo khoa giả để tránh mua nhầm.

Trong trường hợp mua nhầm sách giáo khoa giả, phụ huynh cần cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, hoặc đơn vị báo chí để cùng phối kết hợp xác minh, xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) nhìn nhận, sách giáo khoa giả không phải là câu chuyện mới nhưng luôn gây nhức nhối trong xã hội. Việc ngăn ngừa, đẩy lùi nạn sách giáo khoa giả cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Đặc biệt, phụ huynh khi phát hiện sách giáo khoa giả nên tố giác đến cơ quan chức năng để có thể kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời.

Ngoài ra, sách in lậu, sách giả thường được bán trà trộn với sách thật, gây khó khăn cho người tiêu dùng, dễ dẫn đến mua nhầm. Theo đó, người dân cần đến các công ty sách và thiết bị trường học hoặc hệ thống của các nhà xuất bản để có thể mua được sách đảm bảo chất lượng.

"Đôi khi là trong một cuốn sách có thể 99 trang đúng, 1 trang cuối cùng là sai. Các đối tượng làm giả rất tinh vi, khiến học sinh, phụ huynh khó phát hiện, do đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho hay.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cũng cho rằng, trong vấn đề khuyến khích người dân tố giác khi phát hiện sách giáo khoa giả thì cần có cơ chế làm sao để học sinh, phụ huynh, giáo viên chủ động cung cấp thông tin.

Ngoài ra, cần có các chế tài xử lý vi phạm thực sự đủ mạnh, tạo ra hiệu quả răn đe. Bên cạnh đó, việc quản lý sản xuất cần chặt chẽ từ khâu cấp phép in ấn đến kiểm tra, phát hành nhằm kịp thời phát hiện những “lỗ hổng” để các đối tượng lợi dụng làm giả sách giáo khoa.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-phat-dong-khuyen-khich-hoc-sinh-phu-huynh-gv-to-giac-khi-nghi-ngo-sgk-gia-post243721.gd