Cần phát huy tối đa hiệu quả của từng luật
Cùng với Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ mở đường phát triển cho mô hình đô thị TOD.
Tuy nhiên, quá trình đưa các luật này vào thực tế, phối hợp, bổ trợ cho nhau cần bàn tay uyển chuyển của quản lý Nhà nước, sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tạo nên một nguồn lực tổng hòa, phát huy tối đa hiệu quả của từng luật.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã rất nỗ lực trong xây dựng và vận động để Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Cùng với Luật Đất đai 2024, đây sẽ là những nguồn lực chính sách chủ yếu thúc đẩy quá trình đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông cũng như phát triển đô thị theo định hướng giao thông của TP. Các luật này có tính chất bổ trợ cho nhau, tuy nhiên vẫn có những vấn đề phát sinh cần được điều chỉnh khi đưa vào cuộc sống.
Luật sư Phan Thị Thanh Hiền (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, để cụ thể hóa Luật Đất đai 2024, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan xây dựng hàng loạt thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện. Nhưng với những đô thị có cơ chế đặc thù như Hà Nội (có hẳn Luật Thủ đô), việc ban hành và hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2024 có thể sẽ có những “cập kênh” nhất định.
“Để đồng bộ các luật, tạo nên hiệu quả cao nhất trong thực hiện, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải linh hoạt, chủ động phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt quá trình phát triển hạ tầng và các dự án TOD, không đẩy khó cho người dân và DN” - bà Phan Thị Thanh Hiền nói.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Trần Tuấn Anh cho rằng, một trong những ưu điểm lớn nhất của Luật Đất đai 2024 là cơ chế xác định giá đất đảm bảo nguyên tắc thị trường thay vì căn cứ vào giá đất tối thiểu - tối đa của khung giá đất do Chính phủ ban hành như hiện nay.
“Đây là điều kiện rất quan trọng đối với các dự án hạ tầng và TOD. Nó là yếu tố để xác lập dự toán đầu tư cho mỗi dự án, cũng như là căn cứ để kêu gọi đầu tư. Vì vậy, việc xác định giá đất theo cơ chế thị trường được làm như thế nào, điều chỉnh theo năm, theo thực tế ra sao cần có hướng dẫn sớm, đầy đủ và dễ thực hiện. Nếu không sẽ khiến cả cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và người dân rơi vào mông lung, tranh cãi” - ông Trần Tuấn Anh nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi bộ luật mới phải được đưa vào thực tế đời sống xã hội để kiểm nghiệm mới thấy rõ hiệu quả cũng như những bất cập cần điều chỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu mọi bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai hướng dẫn và thực hiện Luật Đất đai 2024. Trước mắt, Hà Nội cần nhanh chóng triển khai cả Luật Thủ đô (sửa đổi) và Luật Đất đai 2024 trong thực tế để có những nhận định rõ ràng về hiệu quả của từng luật và sự đồng bộ chung.
Đặc biệt công tác tuyên truyền, phổ biến luật cho người dân cần được chú trọng đúng mức, đẩy mạnh ở mọi cấp độ chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội. Việc tái cấu trúc đô thị theo mô hình TOD sẽ ảnh hưởng đến đông đảo người dân, nếu không phổ biến luật để người dân hiểu rõ, nắm chắc sẽ khó tìm được sự đồng thuận ủng hộ cao. Vì vậy Hà Nội cũng như tất cả địa phương trên cả nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, vận dụng mọi kênh, mọi nguồn lực xã hội để đưa luật đến gần với người dân.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu nhận định: “Tôi cho rằng cả hai luật đều sẽ phát huy hiệu quả tối đa trong quá trình phát triển đô thị TOD của Hà Nội, không có chồng chéo. TP đang nỗ lực hết sức để đưa cả hai luật vào thực tế nhanh nhất có thể”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-phat-huy-toi-da-hieu-qua-cua-tung-luat.html