Cần quản lý chặt dịch vụ cho người nước ngoài thuê xe máy

Là thành phố du lịch nên lượng du khách trong và ngoài nước đổ về Đà Nẵng tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng khá đông, từ đó phát sinh thêm nhiều dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ cho thuê xe mô-tô tự lái. Ngoài những tiện ích của dịch vụ này, vấn đề đặt ra là nhiều người nước ngoài thuê xe mô-tô tự lái trong khi họ không đảm bảo các điều kiện tham gia giao thông. Đây cũng chính là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.

Là thành phố du lịch nên lượng du khách trong và ngoài nước đổ về Đà Nẵng tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng khá đông, từ đó phát sinh thêm nhiều dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ cho thuê xe mô-tô tự lái. Ngoài những tiện ích của dịch vụ này, vấn đề đặt ra là nhiều người nước ngoài thuê xe mô-tô tự lái trong khi họ không đảm bảo các điều kiện tham gia giao thông. Đây cũng chính là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.

Hai bị cáo: Trần Ngọc Lĩnh và Đặng Nguyên Vũ tại phiên tòa.

Hai bị cáo: Trần Ngọc Lĩnh và Đặng Nguyên Vũ tại phiên tòa.

Đơn cử vụ án: “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” được TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử và sáng 24-6, đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo cáo trạng, chiều 28-6-2023, ông G. J. L. (1990, quốc tịch Mỹ) đến tiệm cho thuê xe máy của ông Đặng Nguyên Vũ (1991, trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) trên đường Hà Bổng (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) để thuê xe máy, mặc dù biết rõ ông G.J.L không có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng Vũ vẫn đồng ý cho ông G. J. L. thuê xe máy dung tích xi-lanh 125cc.

Sau đó, ông G. J. L đã có nồng độ cồn, chạy xe lấn làn trên đường Hoàng Sa (Đà Nẵng) thì va chạm với xe ô-tô do Trần Ngọc Lĩnh (2002, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng; có Giấy phép lái xe hạng B2) điều khiển lưu thông hướng ngược lại. Lĩnh điều khiển ô-tô vượt qua một xe ô-tô khác chạy cùng chiều, lấn sang làn đường ngược chiều. Do đó, xe mô-tô và ô-tô va chạm trực diện nhau gây tai nạn. Sau khi hai xe va chạm, xe mô-tô do ông G. J. L. điều khiển ngã sang phải và ông bị văng ra đường và tử vong tại chỗ.

Trong vụ án này, hành vi của Trần Ngọc Lĩnh vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 13, điểm d khoản 5 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ, còn Đặng Nguyên Vũ đã vi phạm quy định tại khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ. Xét toàn diện vụ án, HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên bị cáo Trần Ngọc Lĩnh mức án 18 tháng tù về tội: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và Đặng Nguyên Vũ 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội: “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Vụ án trên là bài học đắt giá cho các chủ cửa hàng cho thuê xe máy khi đồng ý cho người nước ngoài không đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ tại Việt Nam thuê xe máy. Trước khi đồng ý giao xe cho người nước ngoài cần nắm rõ các quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật ATG, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng: “Hiện nay nhiều người nước ngoài khi đến du lịch tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng thích mượn, thuê xe máy để đi lại, du lịch. Để đáp ứng nhu cầu đó, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh mở dịch vụ cho thuê xe máy theo ngày, theo tuần hoặc theo tháng đối với người nước ngoài. Việc làm này không có gì sai trái, nếu họ chấp hành đúng quy định, giao xe cho người đủ điều kiện điều khiển xe máy theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, một số trường hợp, vì chủ quan hoặc vì lợi nhuận, cá nhân, chủ hộ kinh doanh dù biết rõ người thuê xe không đủ điều kiện như: không có bằng lái, đã sử dụng rượu bia, chất kích thích… nhưng vẫn cho thuê xe. Điều này là vi phạm pháp luật, và khi người thuê xe gây tai nạn hoặc bị tai nạn thì người cho thuê xe đều phải chịu hậu quả”.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định, nếu chưa gây tai nạn thì chủ xe sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô-tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô-tô, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô-tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô-tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây “Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.

Nếu gây tai nạn thì chủ phương tiện đã giao xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 264 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó thì người nào điều động hoặc giao cho người không có GPLX hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 7 năm.

Thiết nghĩ để đảm bảo an toàn cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam tham quan, du lịch và để Việt Nam luôn là điểm đến an toàn đối với du khách quốc tế, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với loại hình dịch vụ cho thuê xe gắn máy của các cá nhân, tổ chức và hộ gia đình đối với khách du lịch quốc tế có nhu cầu thuê xe gắn máy để đi tham quan tại các điểm đến. Xử phạt nghiêm các hành vi cho thuê xe máy đối với du khách quốc tế không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũng như theo những cam kết của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng.

THANH HOA

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/can-quan-ly-chat-dich-vu-cho-nguoi-nuoc-ngoai-thue-xe-may-post297064.html