Cần quan tâm hỗ trợ phân loại rác sinh hoạt tại nguồn
Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 quy định từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn được thực hiện đồng bộ trên cả nước. Tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn, xây dựng một số mô hình điểm và tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động rộng rãi về phân loại, thu gom, xử lý rác sinh hoạt. Tuy nhiên, hơn 3 tháng qua, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn.

Chị Lê Thị Nguyệt thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn - Ảnh: H.N
Khu phố 5 (thị trấn Gio Linh) được xem là một trong những điểm sáng của huyện Gio Linh về thực hiện tốt công tác phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Anh Lê Nhật Minh, Bí thư chi bộ, Khu phố trưởng Khu phố 5 cho biết, thời gian qua, khu phố luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật BVMT đến người dân, trong đó tập trung nhiều đến nội dung phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình. Khu phố còn vận động thêm nhiều nguồn lực để mua hơn 140 thùng rác công cộng đặt trên 4 tuyến đường, giúp người dân bỏ rác thải thuận tiện.
Chị Lê Thị Nguyệt - một người dân trong khu phố - chia sẻ: “Trước đây, tôi thường xuyên bỏ rác thải sinh hoạt vào chung một bao nilon. Khi được tuyên truyền về thực hiện các quy định của Luật BVMT về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, gia đình tôi đã tiến hành phân loại rác thải rắn sinh hoạt ngay tại nhà bằng việc đem các vỏ chai nhựa, giấy thải, kim loại thải... bỏ vào một thùng đựng riêng để cho các con bán lấy tiền nuôi heo đất tiết kiệm; tận dụng thức ăn thừa để nuôi lợn, gà; đào hố xử lý nước thải; rác thải hữu cơ như lá cây, phụ phẩm nông nghiệp sẽ được sử dụng làm phân bón cho cây cối trong vườn. Tôi thấy việc thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn mang lại nhiều lợi ích về mặt môi trường và kinh tế cho gia đình, chấp hành đúng quy định về BVMT, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp từ nhà ra đường”.
Lần đầu tiên, nguyên tắc phân loại rác thải sinh hoạt được quy định tại Luật BVMT năm 2020 gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hữu Nam, Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật quy định rõ nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. “Việc phân loại này làm giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; giảm lượng rác chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường. Phân loại rác tại nguồn sẽ tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng, tận dụng, tiết kiệm tài nguyên, mang lợi ích kinh tế cho gia đình, gây quỹ cho hoạt động cộng đồng”, ông Nam cho biết.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn và các quy định về quản lý chất thải trên; xây dựng, tổ chức lấy ý kiến hồ sơ dự thảo “Báo cáo thực trạng và đề xuất áp dụng các “quy trình kỹ thuật” và “định mức kinh tế - kỹ thuật” về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; lập, thẩm định, phê duyệt phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Công tác phân loại rác tại nguồn bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.
Từ năm 2024, sở đã hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom chất thải có khả năng tái chế tại hơn 160 cơ sở giáo dục cấp mầm non, tiểu học trên địa bàn các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và TP. Đông Hà.
Hiện nay, sở đang xây dựng kế hoạch nhân rộng hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom rác thải nhựa trong trường học trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Đakrông, Hướng Hóa và thị xã Quảng Trị. Theo thống kê, trong tháng 11 và 12/2024, đơn vị đã thu gom, chuyển giao được khoảng 6 tấn rác tái chế, trong đó có gần 3 tấn vỏ hộp sữa; quý I/năm 2025 thu gom, chuyển giao được khoảng 8,3 tấn rác tái chế, trong đó có khoảng 5,7 tấn vỏ hộp sữa.
Tuy nhiên, thực tế công tác phân loại rác tại nguồn vẫn gặp nhiều khó khăn. Ở một số địa phương, việc triển khai tổ chức tập huấn, tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn còn chậm, ý thức của một bộ phận người dân, tổ chức, đơn vị về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn hạn chế; việc chấp hành các quy định về BVMT, đóng nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt... còn chưa đảm bảo yêu cầu. Hầu hết các địa phương chưa đủ tiềm lực để đáp ứng cho thu gom, vận chuyển và xử lý rác sau khi đã phân loại tại nguồn. Việc phân loại rác tại nguồn chỉ được một bộ phận nhỏ người dân thực hiện, còn đa số người dân vẫn chưa nắm bắt được thông tin, hoặc biết được mục đích, sự cần thiết của việc thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng gặp khó khăn trong thực hiện.
Thiết nghĩ, để thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn có hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nội dung tuyên truyền cần bám sát các quy định của Luật BVMT. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về phân loại rác thải tại nguồn để tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong cộng đồng. Các địa phương, chủ thu gom, vận chuyển, xử lý cần tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu tư công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý, ứng dụng giải pháp về công nghệ thông tin trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân hình thành được thói quen và duy trì phân loại rác tại nguồn một cách bền vững.