Cần quy định cụ thể các trường hợp hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư

Chiều 17/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cơ bản bảo đảm đúng mục đích, quan điểm xây dựng Luật, kế thừa và hoàn thiện nhiều quy định còn giá trị, đang thực hiện ổn định. Dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của Đại biểu Quốc hội.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 9 chương 63 Điều, tăng 1 Chương so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Theo báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật chỉnh lý cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: Hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; về thẩm quyền quyết định nhân sự tại doanh nghiệp; về quyết định tiền lương; về lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ; về các nội dung người đại diện phần vốn nhà nước; về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; về bảo toàn và phát triển vốn...

Liên quan tới hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư trong dự thảo Luật và đề nghị Chính phủ đề xuất bổ sung các ngành, nghề doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư, kinh doanh.

Về thẩm quyền quyết định nhân sự tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị chỉnh lý, bổ sung một điều quy định có tính nguyên tắc trong dự thảo Luật về thẩm quyền quyết định nhân sự. Ngoài ra, về quyết định tiền lương, đề nghị không quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi quyết định chính sách tiền lương đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Hội nghị Trung ương 11 đã xác định doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, kinh tế tư nhân là động lực, vì vậy việc sửa đổi luật lần này cần tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Đồng thời, đề nghị cập nhật Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII để sửa đổi luật, đảm bảo yêu cầu đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tăng trưởng năm 2025 đạt 8%, đến năm 2030 tăng trưởng 2 con số...

Cũng tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung nguyên tắc thẩm quyền quyết định nhân sự chủ chốt trong dự thảo luật. Vì đây là vấn đề quan trọng liên quan đến quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp; việc quyết định chủ trương đầu tư vốn vào doanh nghiệp không chỉ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, mà trong một số trường hợp còn thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nên việc quy định rõ thẩm quyền quyết định nhân sự chủ chốt nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các quyết định chủ trương đầu tư vốn vào doanh nghiệp...

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/can-quy-dinh-cu-the-cac-truong-hop-han-che-doanh-nghiep-nha-nuoc-dau-tu-20250417164230914.htm