Cần quy định cụ thể trong nghị quyết giảm thuế VAT
Chiều 21/5, tại Tổ thảo luận số 17 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đã có những kiến nghị xác đáng, sát với thực tiễn về nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Toàn cảnh Tổ thảo luận.
Đánh giá cao chủ trương tiếp tục giảm thuế VAT thêm 2%, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhận định: đây là bước đi phù hợp với bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng thuận về chủ trương, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về những bất cập đã từng phát sinh trong quá trình triển khai chính sách tương tự trước đây, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực đến khối doanh nghiệp thực hiện hợp đồng với cơ quan Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu thảo luận.
Thực tiễn phát sinh nhiều vướng mắc
Dẫn chứng từ chính trải nghiệm của bản thân, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết: Thời điểm trước đây khi Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế VAT từ 10 % xuống còn 8 %, một số doanh nghiệp đã ký kết và hoàn tất các hợp đồng cung cấp hàng hóa, xây lắp với mức thuế suất cũ (10 %). Tuy nhiên, khi nghị quyết mới có hiệu lực, trong quá trình thanh toán qua kho bạc nhà nước, một số cơ quan lại áp dụng mức thuế mới (8 %) và khấu trừ 2% phần chênh lệch. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp phải gánh chịu phần thiệt hại do toàn bộ chi phí đầu vào vẫn ở mức 10 %.
“Có hợp đồng trị giá tới hơn 100 tỷ đồng, sau khi thanh lý, doanh nghiệp bị cấn trừ 2 tỷ đồng thuế, khiến họ gần như mất toàn bộ phần lợi nhuận của dự án đó”, đại biểu nêu cụ thể. Không chỉ một trường hợp cá biệt, thực trạng này đang xảy ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp cung cấp vật tư, thiết bị cho cơ quan nhà nước như máy lạnh, thiết bị giáo dục, công nghệ thông tin... “Toàn bộ đầu vào là 10% nhưng khi xuất hóa đơn thanh toán thì bị áp 8%, khiến doanh nghiệp bị ép chịu thiệt hại một cách vô lý”, đại biểu nhấn mạnh.
Cần đồng bộ giữa chính sách và hướng dẫn thực thi
Từ những bất cập đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh kiến nghị Quốc hội và ban soạn thảo cần bổ sung quy định rõ ràng, chi tiết trong Nghị quyết về phạm vi áp dụng mức thuế VAT mới. Theo đó, cần xác định rõ đối tượng được áp dụng mức thuế mới, tránh tình trạng áp dụng hồi tố gây thiệt hại cho các hợp đồng đã ký kết, đã nghiệm thu và thanh lý trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực.
Đại biểu đề xuất: đối với các hợp đồng trọn gói, giá cố định đã ký giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, nếu việc thực hiện hoàn tất trước thời điểm áp dụng chính sách mới, thì phải thanh toán theo mức thuế suất cũ. Việc khấu trừ 2 % từ phía kho bạc là không hợp lý và làm ảnh hưởng đến uy tín, dòng tiền cũng như khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
“Đây là vấn đề kỹ thuật nhưng rất quan trọng, nếu không quy định cụ thể, không ban hành hướng dẫn chi tiết từ các bộ, ngành thì khi triển khai sẽ tiếp tục vướng mắc và thiệt hại vẫn thuộc về doanh nghiệp”, đại biểu phân tích.
Bài học trong hoạch định chính sách
Phát biểu của đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho thấy một vấn đề lớn hơn trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách tài khóa: đó là sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật và thực tiễn triển khai. Mặc dù chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm thuế là đúng đắn, nhưng nếu không đi kèm với các quy định rõ ràng, cụ thể, nhất quán - nhất là trong hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát thanh toán hợp đồng - thì chính sách đó sẽ không phát huy hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn gây thêm khó khăn cho đối tượng mà nó muốn hỗ trợ.
Đại biểu đề nghị Quốc hội cần giao Chính phủ, các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước… sớm ban hành hướng dẫn đồng bộ, thống nhất, lấy mốc thời gian ký kết, nghiệm thu, thanh lý làm cơ sở để áp dụng mức thuế phù hợp.
Kỳ vọng chính sách đi vào thực chất
Từ một vấn đề tưởng chừng như kỹ thuật trong xử lý hợp đồng, phát biểu của đại biểu Nguyễn Duy Thanh đã khơi gợi một yêu cầu cấp thiết trong cải cách thể chế: mọi chính sách kinh tế cần được hoạch định theo nguyên tắc rõ ràng, nhất quán và có tính đến các tình huống phát sinh từ thực tiễn. Việc giảm thuế VAT là vì lợi ích của doanh nghiệp, của người dân và nền kinh tế. Do đó, chính sách cần tránh gây ra hiệu ứng ngược, tạo thêm rào cản cho khu vực tư nhân – vốn đang rất cần được hỗ trợ trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch và các cú sốc bên ngoài.
“Chủ trương đúng là chưa đủ. Cần thiết kế chính sách và cơ chế thực thi một cách thực chất, cụ thể, để từng đồng vốn ngân sách hỗ trợ đến đúng người, đúng việc và phát huy hiệu quả cao nhất”, đại biểu nhấn mạnh./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-quy-dinh-cu-the-trong-nghi-quyet-giam-thue-vat-a39122.html