Cần rõ ràng về chế độ thù lao khi thu hút nhân tài

Bà Trần Thị Thu Đông - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao là một trong các yếu tố quan trọng cần được minh định rõ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực công.

Luật Thủ đô (sửa đổi):

Bà Trần Thị Thu Đông, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Quốc hội

Bà Trần Thị Thu Đông, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Quốc hội

Cần được tự chủ tuyển dụng và sử dụng nhân tài

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Trần Thị Thu Đông - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, Thủ đô Hà Nội, cũng giống như các địa phương khác sẽ luôn trải qua các thời kì phát triển khác nhau gắn với những yêu cầu đặc thù về điều kiện phát triển, trong đó có yêu cầu đối với thu hút, trọng dụng nhân tài.

Vì vậy, cần ghi nhận thẩm quyền tự chủ của HĐND TP Hà Nội trong việc đưa ra chính sách, quy định về thu hút nhân tài theo từng thời kì. Nếu đặt quy định về thu hút nhân tài về phần Những quy định chung và tương ứng có quy định về thẩm quyền tự chủ của chính quyền tại Thủ đô sẽ hợp lí hơn so với việc đưa thẩm quyền tự chủ này vào các điều khoản riêng lẻ ở các Phần, các Chương.

Thủ đô Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, nhưng các quy định của Nghị quyết cũng không có khác biệt lớn so với khung cơ chế chung toàn quốc về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Điểm khác căn bản là đãi ngộ về vật chất thu hút ban đầu, được hỗ trợ kinh phí học tập nâng cao năng lực. Nhưng xét theo chênh lệch về mức chi tại Thủ đô so với các địa phương khác cũng chưa hẳn là ưu đãi vượt trội. Chính quyền Thủ đô cần được trao thẩm quyền tự chủ mạnh hơn, sâu hơn trong cơ chế tuyển dụng và sử dụng nhân tài.

Chia sẻ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Trần Thị Thu Đông cho hay, chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao là một trong số các yếu tố quan trọng cần được minh định rõ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực công. Ngoài chế độ lương và phụ cấp xét theo vị trí việc làm, cần có quy định về chế độ thù lao dành cho những cống hiến xuất sắc hoặc giá trị do các ứng viên tài năng tạo ra sau khi đã được tuyển dụng. Điều 18 mới chỉ quy định về chế độ tiền lương, thu nhập nói chung. Nội dung quy định về chế độ thù lao dành cho nhân tài, nhân lực chất lượng cao có thể đặt ở điều khoản chung về thu hút nhân tài; hoặc có khoản riêng trong Điều 18 về chế độ lương, thu nhập.

“Để phù hợp với các chính sách cải cách tiền lương sắp được triển khai, tiêu đề của Điều 18 nên lược bỏ “tiền lương”, chỉ đề là “chế độ thu nhập” của cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm lương và các thu nhập khác phù hợp với chính sách cải cách tiền lương của Trung ương)”, bà Trần Thị Thu Đông chia sẻ.

Có thể chi trả thù lao theo sản phẩm

Theo bà Trần Thị Thu Đông, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nên thể hiện trực tiếp và rõ ràng nguyên tắc chi trả thu nhập theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ thuộc bộ máy chính quyền Thủ đô để có thể bắt nhịp kịp thời với thực tiễn cải cách chế độ tiền lương trong thời gian tới.

Đồng thời, nên bổ sung quy định thể hiện tính phân hóa trong cơ chế trả thù lao, đặc biệt đối với các trường hợp thuộc diện thu hút nhân tài (nếu không có quy định về chế độ thu nhập dành cho thu hút nhân tài ở Điều 17).

Theo đó, việc chi trả thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức được minh định theo ít nhất hai cơ chế: Cơ chế tuyển dụng thông thường sẽ cơ bản áp dụng theo chính sách cải cách tiền lương của Trung ương; Cơ chế tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài cần khẳng định cơ chế thu nhập theo thỏa thuận tương xứng với vị trí việc làm.

Nếu có thể, nghiên cứu thêm cơ chế chi trả theo sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo, các sản phẩm có khả năng thương mại hóa hoặc sản phẩm sở hữu trí tuệ. Đối với một số sản phẩm có khả năng khai thác thương mại lâu dài, chế độ chi trả thu nhập tương ứng sẽ có sức hút tốt hơn so với chính sách khen thưởng theo sản phẩm.

Bà Trần Thị Thu Đông cho rằng, cần có sự phân hóa về thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các ngành, lĩnh vực khoa học cơ bản so với các ngành, lĩnh vực có tính ứng dụng cấp thời. Đặc biệt là khoa học cơ bản về xã hội và nhân văn, bởi vì đây là lực lượng có nhiều đóng góp cho sự phát triển về các giá trị khó đo lường trong thời gian ngắn.

Trái lại, thu nhập đối với lực lượng làm việc trong các ngành khoa học kĩ thuật - công nghệ, các khoa học ứng dụng thực tiễn lại có khả năng tạo ra các sản phẩm có tính thương mại hóa cao, rõ ràng thì có thể áp dụng cơ chế chi trả thù lao chung kết hợp thù lao theo sản phẩm như đã khuyến nghị ở trên.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-ro-rang-ve-che-do-thu-lao-khi-thu-hut-nhan-tai-364062.html