Cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nghiệp xây dựng Việt hiện đã làm chủ hoàn toàn công nghệ, biện pháp và thiết bị thi công hạng mục hầm, cầu, điều mong đợi lúc này là Nhà nước sớm ban hành bộ tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu cũng như kiểm tra chất lượng vật liệu và hạng mục thi công.
Giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cần khoảng 1.015 nghìn tỷ đồng nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 28%. Nguồn lực từ tư nhân đã chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước, góp phần hình thành những công trình hạ tầng giao thông lớn, hiện đại.
Các dự án hạ tầng giao thông thực hiện theo phương thức PPP như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (9.100 tỷ đồng), cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (12.188 tỷ đồng), cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (13.000 tỷ đồng), chuỗi hầm đường bộ Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân 2 (21.612 tỷ đồng),... khi hoàn thành đưa vào khai thác vận hành góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Hiện cả nước đang triển khai thi công 28 dự án/dự án thành phần đường bộ cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.188km; dự kiến hoàn thành vào năm 2025 để đạt mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc.
Bên cạnh đó nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được gấp rút hoàn thiện thủ tục, sớm khởi công xây dựng như các tuyến đường bộ cao tốc đầu tư theo phương thức PPP gồm Cam Lộ - Lao Bảo, Bảo Lộc - Liên Khương, Gia Nghĩa - Chơn Thành; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng,... được kỳ vọng đem đến nhiều cơ hội cũng như khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam để lại nhiều dấu ấn tại những dự án hạ tầng giao thông. Ảnh: TL
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ, việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị tới năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 76 tỷ USD.
Theo ông Hồ Sỹ Hòa - Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hiện đã làm chủ hoàn toàn công nghệ, biện pháp và thiết bị thi công hạng mục hầm, cầu. Điều họ mong đợi lúc này là Nhà nước sớm ban hành bộ tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu cũng như kiểm tra chất lượng vật liệu và hạng mục thi công.
Đồng thời Bộ Xây dựng cần sớm trình Chính phủ, Quốc hội phương án về cơ chế lựa chọn nhà thầu để doanh nghiệp có cơ sở pháp lý, yên tâm đầu tư, chuẩn bị nguồn lực, công nghệ và thiết bị. Ông Hòa khẳng định nếu được giao các hạng mục cầu, hầm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Trung Chính sẽ “vào việc ngay, không mất thời gian”.
Nêu quan điểm về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành Phạm Văn Khôi cũng cho rằng, các nhà thầu xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được phần hạ tầng xây dựng của dự án do đã tích lũy năng lực, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các công trình giao thông rất phức tạp như cầu đúc hẫng, cầu dây văng, cầu vòm thép, đường bộ cao tốc,...
Nhiều nhà thầu lớn ở Việt Nam hiện đủ sức đảm đương gói thầu quy mô khoảng 1 tỷ USD và đề cao phương châm ưu tiên cho nhà thầu nội làm, chỉ định thầu là cơ chế cần được xem xét.

Huy động nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cũng như mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Ảnh: TL.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát tự tin khẳng định doanh nghiệp có thể làm chủ công nghệ sản xuất ray đường sắt chất lượng cao. Cùng với đó kiến nghị Chính phủ đặt hàng doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra sản phẩm.
Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các loại ray đường sắt, cho phép doanh nghiệp tham gia cùng bộ phận kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”.
Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.