'Cần sớm đưa bốt lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 áp dụng rộng rãi'

Chuyên gia cho rằng các bốt lấy mẫu sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của lực lượng tuyến đầu chống dịch trong cuộc chiến dài hơi với Covid-19, đặc biệt khi nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C.

Giữa tâm dịch Covid-19, nhiều nhân viên y tế, bác sĩ, y tá đổ gục vì mất nước, suy kiệt vì mặc đồ bảo hộ dưới cái nắng 40 độ C. Cả nước ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày khiến việc lấy mẫu phải thực hiện cả ngày lẫn đêm với hàng nghìn người cùng lúc.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, việc nghiên cứu, sớm áp dụng những mô hình mới, tiên tiến trong công tác phòng chống dịch là việc nên làm để bảo đảm an toàn, sức khỏe lâu dài cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đứng cả ngày để lấy mẫu trong nhiệt độ hơn 40 độ C

Chia sẻ về những giai đoạn cao điểm tại Hà Nội, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết nhân viên y tế của Hà Nội phải tỏa đi hàng chục điểm để lấy mẫu, cấp tốc vận chuyển về CDC để xét nghiệm. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng nếu có bốt lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 thì công việc của nhân viên y tế sẽ an toàn, đỡ vất vả hơn nhiều.

"Bốt lấy mẫu lưu động đã được ứng dụng ở nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mô hình này có nhiều ưu điểm, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho nhân viên, duy trì sức khỏe cho lực lượng chống dịch trong cuộc chiến dài hơi", ông Tuấn nói với Zing.

 Một nữ nhân viên y tế tại TP.HCM bị choáng, không thể đứng vững sau khi liên tục đứng lấy mẫu trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: Chí Hùng.

Một nữ nhân viên y tế tại TP.HCM bị choáng, không thể đứng vững sau khi liên tục đứng lấy mẫu trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: Chí Hùng.

Theo vị chuyên gia, bên cạnh y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho người mắc Covid-19, nhân viên lấy mẫu cũng chịu nhiều rủi ro, nguy hiểm về dịch tễ do phải tiếp xúc rất gần với các trường hợp F1, F2 thậm chí là F0.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng có 2 ưu điểm chính của những bốt lấy mẫu lưu động này. Thứ nhất, mỗi bốt là một buồng tách biệt với môi trường bên ngoài, được khử khuẩn, đảm bảo ngăn cách 100% giữa nhân viên y tế với mẫu bệnh phẩm, đối tượng lấy mẫu. Thứ hai, bốt sẽ thay thế cho đồ bảo hộ, giúp giảm nguy cơ sốc nhiệt, mất nước, suy nhược do mặc đồ bảo hộ quá lâu.

"Các buồng lấy mẫu này sẽ giúp các nhân viên có thể chia ca, kíp lấy mẫu thuận lợi, giúp giảm số lượng đồ bảo hộ phải sử dụng và quan trọng nhất là nhân viên y tế không phải làm việc dưới thời tiết nóng bức mà mặc đồ bảo hộ. Đây là cái khó mà chúng tôi đang cố gắng khắc phục, mặc đồ bảo hộ không thể cởi khẩu trang uống nước, nên suy kiệt thể lực rất nhanh", ông Tuấn chia sẻ.

Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, đơn vị đang nghiên cứu, chuẩn bị đề xuất ứng dụng các bốt này trong việc lấy mẫu, song, sẽ có một chút khác so với mô hình ở các nước. Thay vì các bốt được đặt cố định, CDC sẽ nghiên cứu để đặt trên ôtô, thuận tiện di chuyển từ nơi này sang nơi khác sau khi hoàn thành lấy mẫu.

Cần nghiên cứu kỹ cơ chế thông khí 1 chiều

Nói về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí (Đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho rằng đây là mô hình rất tốt, cần ứng dụng ngay, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay. Ông cho rằng mỗi ca, nhân viên lấy mẫu phải làm việc liên tục 8-10 tiếng, vô cùng căng thẳng, mệt mỏi.

"Nơi lấy mẫu lại thường không có đủ các điều kiện vật chất cần thiết như quạt thông gió, thậm chí không có mái che. Điều hòa thì không được bật do có thể tăng nguy cơ lây nhiễm. Với điều kiện như vậy, rõ ràng sức khỏe của nhân viên không thể đảm bảo được", ông Trí lo ngại.

Vị giáo sư nhấn mạnh đây là việc Bộ Y tế cần quan tâm, sớm cho ý kiến để các địa phương ứng dụng ngay và có thẩm định, đánh giá chi tiết từ các cơ quan chuyên môn. Theo ông Trí, 2 tiêu chí quan trọng nhất đối với các bốt lấy mẫu là phải hoàn toàn tách biệt và có hệ thống thông khí một chiều. Nếu có thể, các buồng có thể trang bị luôn quạt gió, điều hòa làm mát cho người lấy mẫu.

 Nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm thường xuyên đối diện nguy cơ lây nhiễm và hao mòn sức khỏe. Ảnh: Chí Hùng.

Nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm thường xuyên đối diện nguy cơ lây nhiễm và hao mòn sức khỏe. Ảnh: Chí Hùng.

"Tôi cho rằng kinh phí sản xuất không quá đắt đỏ, thiết kế không phức tạp, hoàn toàn có thể sản xuất đại trà sớm. Việc này cần làm ngay để duy trì sức khỏe, bảo toàn lực lượng chống dịch trong giai đoạn quan trọng này", vị chuyên gia nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng mấu chốt của bốt lấy mẫu phải là hệ thống lọc không khí và đi theo một chiều duy nhất. Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có cơ chế cho việc mua sắm trang thiết bị chống dịch, đảm bảo kịp thời, hiệu quả hơn.

"Cái khó vẫn là cơ chế, nếu muốn mua sắm lại phải theo danh mục. Mà danh mục thì không có buồng lấy mẫu bệnh phẩm. TP sẽ lại phải xin ý kiến Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Tài chính", ông Tuấn chia sẻ.

 Một buồng lấy mẫu ở Ấn Độ. Ảnh: The Economic Times.

Một buồng lấy mẫu ở Ấn Độ. Ảnh: The Economic Times.

Theo The Economic Times (bản Ấn Độ), bốt lấy mẫu bắt đầu được sử dụng tại một số địa phương ở Ấn Độ từ đầu năm. Người lấy mẫu đứng trong một buồng có đôi găng tay đặc biệt sử dụng để thao tác lấy mẫu đối với các trường hợp nghi nhiễm. Các buồng này giúp cho việc lấy mẫu được thuận tiện, an toàn hơn và giảm các hao phí về đồ bảo hộ khi Ấn Độ đang thiếu hụt trầm trọng.

Chi phí để sản xuất mỗi buồng lấy mẫu khoảng 15.000-20.000 RS (4-6 triệu đồng), sử dụng nhựa và nhôm là chủ yếu để giữa trọng lượng nhẹ và tiện di chuyển. Các bốt này còn được sử dụng tại các trạm kiểm dịch, hạn chế nhân viên tiếp xúc với người ở các địa phương khác trong lúc kiểm tra giấy tờ và đo thân nhiệt.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-som-dua-bot-lay-mau-xet-nghiem-covid-19-ap-dung-rong-rai-post1222355.html