Cần sớm hoàn thiện bộ luật về đô thị
LTS: Xu hướng đô thị hóa diễn ra như một quy luật của xã hội đang phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, nhà nước đóng vai trò trọng yếu, vừa đưa ra tầm nhìn, vừa thiết lập hành lang pháp lý, để tiến trình này đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, và tạo dựng được môi trường sống văn minh, hiện đại.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (1999 - 2024), Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với PGS-TS. Lưu Đức Hải (Viện trưởng) về thực trạng phát triển đô thị thời gian qua, và những nghiên cứu đề xuất chính sách, pháp luật xoay quanh câu chuyện quản lý và phát triển đô thị Việt Nam. Đồng thời, TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận (Phó Viện trưởng) trao đổi sâu hơn về khái niệm “Công trình xanh” trong phát triển đô thị bền vững.
* * *
Với tư cách là người đứng đầu Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển đô thị hiện nay?
Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng, tính đến cuối năm 2023 tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam đạt 42,6% và mục tiêu đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên tối thiểu 45% và trên 50% vào năm 2030. Tuy nhiên chất lượng đô thị hóa vẫn nhiều bất cập như:
Cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ; tại một số khu đô thị mới, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp thoát nước, điện) và hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục) chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là tại khu vực nông thôn và khu vực ven đô được nâng cấp trở thành đô thị.
Đô thị hóa nhanh dẫn đến tăng trưởng thiếu tính bền vững, điển hình là tại một số đô thị tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng, dẫn đến sự phát triển chưa đồng bộ hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường. Quy hoạch sử dụng đất chưa thực sự hiệu quả, bởi còn có sự thiếu đồng bộ với quy hoạch đô thị, đôi khi còn chồng chéo, không phù hợp với quy hoạch đô thị.
Tỷ lệ đất dành cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, không gian xanh còn thấp so với quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ như thành phố Hà Nội có diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 10,07% đất xây dựng đô thị (quy định phải đạt 16 - 26%).
Thiếu quy hoạch đồng bộ giữa các loại hình quy hoạch dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý.
Đô thị hóa nhanh cũng làm gia tăng áp lực về cơ sở hạ tầng đô thị, công trình dịch vụ tiện ích công cộng cho đô thị.
Đô thị đóng vai trò chủ đạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Theo thống kê, các đô thị đóng góp 70% GDP cả nước và con số này tăng lên 75% vào năm 2025. Các khu đô thị lớn là động lực kinh tế, đóng góp phần lớn GDP quốc gia. Song, đô thị hóa không đồng đều khiến các khu vực khác không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, hiện các thành phố lớn đối mặt với ô nhiễm không khí, nước thải và rác thải. Một số đô thị còn chưa hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải và chưa có hệ thống xử lý nước thải. Công tác xử lý rác thải sinh hoạt còn hạn chế (chủ yếu là hình thức chôn lấp). Ở các đô thị lớn có nơi bãi rác còn bị quá tải.
Hệ thống quy định quản lý phát triển hạ tầng xanh đô thị còn thiếu, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao. Cũng cần nói thêm là năng lực quản lý và phát triển đô thị của nước ta hiện nay đã có nhiều tiến bộ, những bộ luật liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị đã và đang được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững.
Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 đã được Chính phủ phê duyệt với định hướng phát triển đô thị bền vững, đồng bộ và hiện đại, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Công tác tinh giảm bộ máy quản lý là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Giai đoạn 2019 - 2023 hàng trăm đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện đã được sáp nhập nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả và tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên tại một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị vừa và nhỏ, còn phụ thuộc vào cơ chế quản lý thủ công, thiếu sự phối hợp liên ngành và chuyên môn hóa.
Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, có nêu nhiệm vụ: tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc... Từ đó đến nay, cũng đã có những bộ luật liên quan đến lĩnh vực đô thị như Luật Xây dựng 2024, Luật Đất đai 2024, Kinh doanh bất động sản... Theo ông, để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 06, cần xây dựng những hành lang pháp lý nào nữa?
Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị đã đặt ra những mục tiêu lớn về quy hoạch, xây dựng, quản lý, và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Để thực hiện các mục tiêu này, việc hoàn thiện hành lang pháp lý là điều kiện tiên quyết.
Theo tôi, cần sớm hoàn thiện bộ luật về đô thị, bao gồm các nội dung chính: quy hoạch đô thị; xây dựng đô thị; quản lý đô thị và phát triển bền vững đô thị. Cần phải bổ sung, hình thành các quy phạm pháp luật chi tiết về giao thông đô thị, cấp nước đô thị, thoát nước đô thị (thoát nước mưa, nước thải, san nền đô thị). Nhiều lĩnh vực khác rất cần luật hóa một cách hệ thống: chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh đô thị, nghĩa trang và an táng, chất thải rắn đô thị, vệ sinh môi trường, luật tên đường phố, biển số nhà, luật không gian ngầm đô thị, luật bản đồ địa hình…
Thưa ông, trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, tầm nhìn và quan niệm về phát triển đô thị cũng thay đổi, để chủ động hơn nữa trong việc ban hành chính sách phát triển, các nhà khoa học cần nghiên cứu chỉ ra cách tiếp cận mới trong quá trình phát triển đô thị?
Trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, các quan niệm về phát triển đô thị cũng phải được định hình lại để phù hợp với các xu hướng và thách thức mới. Một số cách tiếp cận mới trong quá trình phát triển đô thị mà các nhà khoa học, các nhà quản lý cần nghiên cứu:
- Định hình bản sắc vùng miền: mỗi đô thị nên dựa trên các yếu tố văn hóa, lịch sử, và tài nguyên tự nhiên đặc thù để phát triển. Ví dụ, đô thị ven biển có thể tập trung vào phát triển kinh tế biển hoặc du lịch sinh thái.
- Khai thác tiềm năng địa phương: tận dụng các lợi thế sẵn có, như khí hậu, cảnh quan, hoặc ngành nghề truyền thống, để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
- Chính sách hỗ trợ riêng biệt: cần xây dựng các chính sách ưu tiên phù hợp với đặc điểm riêng của từng khu vực.
Từ đó cần có những thuật ngữ cụ thể về đô thị đặc thù:
- Đô thị bền vững: là đô thị trong quá trình phát triển đảm bảo kết hợp hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.
- Đô thị thông minh: là đô thị được ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện khác nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sống. Đảm bảo hiệu quả trong quá trình quản lý vận hành, cung cấp các dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, có thể đáp ứng các nhu cầu của đô thị hiện tại và tương lai, thông qua ba khía cạnh chính là kinh tế, xã hội và môi trường.
- Đô thị xanh: là đô thị được quy hoạch, đầu tư xây dựng, nhằm bảo tồn các chức năng của hệ sinh thái, mang lại lợi ích cho con người, sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Đô thị sinh thái: là đô thị được quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị hướng đến mục tiêu bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên nhằm cân bằng giữa con người và môi trường. Giúp đảm bảo sự đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường trong đô thị.
- Đô thị đại học: là sự liên kết các trường đại học với nhau, có quy mô diện tích tương đương như một đô thị. Có cấu trúc bao gồm một hạt nhân trung tâm là các trường đại học và các khu chức năng tổng hợp phục vụ cộng đồng đô thị. Có chức năng chính là cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho các trường đại học và cao đẳng, các cơ sở an sinh xã hội và hậu cần theo một cơ chế quản lý nhất định để điều hành và quản lý các thành phần trong khu vực.
- Đô thị du lịch: là đô thị phát triển với mục đích chính phục vụ và phát triển ngành du lịch. Đô thị này được quy hoạch và xây dựng nhằm thu hút phát triển du lịch nhờ các giá trị của đô thị như văn hóa, xã hội, lịch sử, các công trình đặc sắc, ẩm thực, giải trí…
- Đô thị di sản: là đô thị có vị trí và cấu trúc toàn đô thị hay một phần của đô thị được bảo tồn một cách toàn vẹn, trong đó có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận, được phát triển trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di sản và hòa hợp với thiên nhiên.
- Đô thị công nghiệp: là đô thị được hình thành và phát triển dựa trên cơ sở nền tảng của hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ liên quan đến công nghiệp. Đô thị này tập trung phát triển các cơ sở sản xuất, nhà máy, khu công nghiệp và các dịch vụ phụ trợ khác có liên quan đến công nghiệp với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ và dân cư chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Từ đó các nhà khoa học, nhà quản lý cần nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể để tiếp tục hoàn thiện các công cụ về quy hoạch, xây dựng - quản lý và phát triển các loại đô thị đặc thù.
Duy Đức thực hiện
25 năm thành lập Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng
Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng thành lập năm 1999, được sáng lập bởi cố TS. Phạm Sỹ Liêm, với sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển các đô thị của đất nước.
Viện là tổ chức nghiên cứu khoa học hoạt động trong các lĩnh vực chính: thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực phát triển đô thị và nông thôn, tăng trưởng đô thị; đất đai đô thị, địa chính, địa chất với phát triển đô thị; kết cấu hạ tầng đô thị; nhà ở đô thị; các vấn đề văn hóa - xã hội ở đô thị; quy hoạch và kiến trúc đô thị...; Nghiên cứu và tư vấn lĩnh vực phát triển đô thị gồm quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn; các đề án, dự án, chương trình phát triển đô thị; tư vấn phản biện, giám định xã hội; hợp tác quốc tế trong các nghiên cứu đô thị…
Với tầm nhìn trở thành một đơn vị tư vấn có uy tín về nghiên cứu, tư vấn các vấn đề liên quan đến đô thị, phục vụ sự nghiệp phát triển đô thị và nông thôn của đất nước, Viện đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đề án, chương trình… như:
Hoạt động nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp kinh tế: Đề tài “Chống khép kín trong đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2005; Nghiên cứu cơ sở khoa học về “Chính sách đất đô thị Việt Nam” - Bộ Xây dựng, 2009; Dự án “Điều tra khảo sát sự phát triển đô thị của khu vực nội thành tại một số thành phố lớn và đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại” - Bộ Xây dựng, 2011 - 2012; Đề tài “Định hướng phát triển và quản lý kiến trúc hệ thống hồ thành phố Hà Nội nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” - Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, 2014 - 2015; Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trong phạm vi chỉ giới đường đỏ phù hợp với điều kiện của Hà Nội” - Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, 2016 - 2018; Đề tài “Nghiên cứu các mô hình phát triển nhà ở xã hội cho thuê thành phố Hà Nội” - Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, 2016 - 2018; Đề tài “Nghiên cứu xây dựng giải pháp bảo vệ không gian hồ trong đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu”- Bộ Xây dựng, 2016 - 2018; Đề tài “Nghiên cứu định hướng và giải pháp quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới ven đô” - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2019 - 2020; Đề tài “Nghiên cứu đánh giá vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, đề xuất định hướng chính sách về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - Bộ Xây dựng, 2021 - 2022; Đề tài “Vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động di cư - thực trạng và giải pháp” - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 2023 - 2024…
Tư vấn lập quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch: Lập quy hoạch chung huyện lỵ Pú Tửu - Điện Biên; Quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Bắc Giang; Quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Quy hoạch chung Khu du lịch Suối Mỡ, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông thành phố Bắc Giang đến năm 2030; Quy hoạch phân khu khu vực Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; Báo cáo nghiên cứu khả thi: xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025…
Tư vấn lập đề án thành lập thành phố, thị xã, thị trấn; lập chương trình phát triển đô thị; lập đề án phân loại đô thị: Đề án chỉnh trang đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; Đề án phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án đề nghị công nhận tuyến phố văn minh đô thị thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; Đề án phân loại đô thị loại V xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030; Đề án phân loại đô thị loại IV, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang; Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030; Thành phố Tuy Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035; Tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040; Thị trấn Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đến năm 2035; Thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2035...; Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh…
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/can-som-hoan-thien-bo-luat-ve-do-thi-46595.html