Cần sớm nghiên cứu, chọn giống cây mắc ca phù hợp

Cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, sau gần 10 năm phát triển tại Đắk Nông, loại cây này vẫn chưa được cơ quan chức năng nghiên cứu, lựa chọn loại giống cụ thể, phù hợp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

Hiệu quả không đều

Tuy Đức là địa phương phát triển cây mắc ca nhiều nhất. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện hiện có hơn 1.300 ha mắc ca các loại. Giống mắc ca có hơn 15 dòng đang được trồng phổ biến tại các vườn rẫy của các hộ dân trên địa bàn huyện.

 Nhiều giống cây mắc ca ở Đắk Nông chưa được khảo nghiệm, đánh giá bằng khoa học

Nhiều giống cây mắc ca ở Đắk Nông chưa được khảo nghiệm, đánh giá bằng khoa học

Các dòng giống mắc ca bao gồm: OC, 695, 800, 788, 246, 344, 741, 816, 842, 849, A4, A16, A38, QN1, Dadow... Trong đó, khoảng 554 ha mắc ca của huyện (chiếm 44% tổng diện tích mắc ca) bắt đầu bước vào thời kỳ cho thu hoạch.

Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, cây mắc ca trồng ở huyện Tuy Đức thường từ năm thứ 6 trở đi mới bắt đầu cho trái. Tỷ lệ cây mắc ca ra trái không đồng đều. Mức độ ra hoa, kết trái chưa cao.

Nhiều vườn mắc ca tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, mỗi cây cho từ 7 – 10 kg trái. Tuy nhiên, có những vườn tỷ lệ cây cho trái thấp, số lượng cây ra trái chỉ chiếm từ 30 – 50%, mỗi cây chỉ cho từ 1 – 3 kg trái.

Gia đình anh Phạm Văn Thường, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) hiện có 6 ha mắc ca hơn 10 năm tuổi. Vườn cây mắc ca của gia đình anh hiện cao hơn 6m, tán rộng khoảng 4m.

Anh Thường cho biết, cây mắc ca đã vào độ cho thu hoạch. Thế nhưng, do trong vườn có nhiều dòng giống khác nhau, nên tỷ lệ ra hoa, đậu trái cũng khác nhau.

Trung bình mỗi ha mắc ca của gia đình anh thu được gần 1 tấn trái. Kết quả này chưa tương xứng với công sức đầu tư và quy mô vườn cây của gia đình anh.

 Người dân vẫn lo ngại về hiệu quả của nhiều dòng giống cây mắc ca

Người dân vẫn lo ngại về hiệu quả của nhiều dòng giống cây mắc ca

Cần sớm nghiên cứu, đánh giá

Những năm qua, các thương lái thu mua hạt mắc ca với giá dao động từ 70.000 -110.000 đồng/kg. Hạt mắc ca được thị trường ưa chuộng, nên rất dễ tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến hạt mắc ca, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm đầu ra ổn định.

Theo đánh giá của nhiều người dân, nếu vườn mắc ca cho quả đồng đều, hiệu quả rất lớn. Do đó, những năm qua, diện tích cây mắc ca phát triển mạnh. Chỉ riêng huyện Tuy Đức, mỗi năm phát triển bình quân hơn 100 ha mắc ca.

Tuy nhiên, theo UBND huyện Tuy Đức, địa phương đang lo ngại về cây mắc ca. Bởi vì, loại cây trồng này chưa được khảo nghiệm, đánh giá một cách khoa học.

Cây mắc ca phải trải qua chu kỳ từ 5-7 năm mới cho ra trái. Do đó, việc đầu tư cây mắc ca hiện nay đối với người dân là một "canh bạc". Nếu như người dân mua phải bộ cây giống không phù hợp, thiệt hại về kinh tế rất lớn.

 Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến hạt mắc ca

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến hạt mắc ca

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức, sở dĩ tình trạng cây mắc ca cho trái không đều là do người dân trồng nhiều giống khác nhau. Đến nay, có một số dòng mắc ca tỏ ra phù hợp với các tiểu vùng sinh thái, nên sinh trưởng tốt và sản lượng khá cao. Đó là các dòng như: OC, 695, 246, 816, 849, A38... Thế nhưng, để có kết luận chính xác, cần phải qua quá trình khảo nghiệm, đánh giá bằng căn cứ khoa học.

Bước đầu, cây mắc ca đã mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều người dân và được công nhận là cây lâm nghiệp. Do đó, việc người dân trồng mắc ca sẽ phát huy được nhiều giá trị, lợi ích khác nhau.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công bố 13 dòng giống mắc ca được đưa vào sản xuất. Trong đó, có 3 dòng giống quốc gia (QN1, A16, A38) và 10 dòng giống tiến bộ kỹ thuật.

13 bộ giống mắc ca đều dùng chung cho cả nước. Còn đối với từng tiểu vùng như: Quảng Trực, Đắk Búk So, Quảng Tâm… thì cần phải tổ chức khảo nghiệm, đánh giá riêng. Từ đó, phân loại dòng giống nào phù hợp hoặc không phù hợp với từng tiểu vùng. Khi đó, việc đưa vào sản xuất mắc ca mới phát huy được hiệu quả.

Các ngành chức năng cần sớm tổ chức khảo nghiệm, đánh giá đối với mắc ca cho từng tiểu vùng khí hậu riêng của tỉnh. Có như vậy, người dân mới an tâm phát triển cây mắc ca một cách ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: Phan Tuấn

1,840

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/can-som-nghien-cuu-chon-giong-cay-mac-ca-phu-hop-87585.html