Cần sớm tháo gỡ vướng mắc trong giao đất dịch vụ
Đất dịch vụ được Thành phố cấp cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để hỗ trợ chuyển đổi việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Thế nhưng người dân nhiều quận, huyện chờ đợi cả chục năm nay vẫn chưa được cấp đất. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này là do việc áp dụng chính sách không đồng nhất giữa các địa phương và không đúng với quy định tại Nghị định 17/2006 NĐ/CP của Chính phủ. Nếu các điểm nghẽn không sớm được tháo gỡ rất khó để Hà Nội hoàn thành mục tiêu bàn giao hết đất dịch vụ cho người dân trong năm 2024.
Để phục vụ dự án Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng, năm 2006 gia đình ông Nguyễn Quang Giáp ở thôn Ngự Câu xã An Thượng huyện Hoài Đức bị thu hồi 310m2 (Chiếm 28% tổng diện tích đất nông nghiệp). Theo thông báo của huyện Hoài Đức thời điểm đó, gia đình ông được hưởng 28m2 đất dịch vụ (tương đương 10% diện tích đất thu hồi). Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 17/2006 của Chính phủ, chỉ những hộ bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp mới được cấp đất dịch vụ. Do đó đã 18 năm chờ đợi gia đình ông vẫn chưa được cấp đất.
Không chỉ những hộ có diện tích thu hồi dưới 30% chưa được cấp đất mà do khó khăn trong công tác GPMB, nhiều hộ có diện tích thu hồi trên 30% ở xã An Thượng cũng chung tình cảnh chờ đợi nhiều năm nay.
An Thượng hiện còn khoảng 800 hộ chưa được cấp đất dịch vụ. Vướng mắc nhất của xã cũng như các địa phương khác chính là việc áp dụng chính sách giao đất dịch vụ theo Quyết định 1098 năm 2007 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây). Đó là cứ thu hồi đất nông nghiệp là có 10% đất dịch vụ (không quá 150m2 với các huyện và 50m2 với quận Hà Đông). Do thực hiện không đúng theo Nghị định 17/2006 của Chính phủ nên việc giao đất dịch vụ đã bị ách tắc từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập với Thủ đô Hà Nội.
Toàn huyện Hoài Đức còn gần 2000 hộ chưa được cấp đất dịch vụ. Tính rộng trên toàn địa bàn Thành phố thì con số này là hơn 19.000 hộ.
Tháng 10 năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND Thành phố có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép áp dụng cơ chế đặc thù giải quyết đất dịch vụ nhằm đảm bảo công bằng giữa các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp (cùng thời điểm, cùng dự án) và theo cam kết của từng địa phương, dự án cụ thể qua các thời kỳ. Tuy nhiên hiện mới chỉ có huyện Mê Linh với hơn 5.700 trường hợp được Chính phủ tháo gỡ, do thời điểm thu hồi đất từ năm 2004, trước khi Nghị định 17/2006 có hiệu lực.