Cần sớm xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau thu gom

Sơn La có trên 320.000 ha đất nông nghiệp, hằng năm, theo số liệu thống kế có khoảng 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong trồng trọt và có từ 35 - 40 tấn vỏ bao bì đã qua sử dụng cần phải thu gom, tiêu hủy, tránh tác hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giúp nông dân thay đổi thói quen

Giải quyết tình trạng ô nhiễm do vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ngày 22/11/2021, UBND ban hành Quyết định 2858/QĐ về việc phê duyệt Đề án "Quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025".

Các cơ quan chức năng triển khai hướng dẫn người dân thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tránh tình trạng vứt bao bì thuốc bừa bãi ra môi trường. Riêng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 300 lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho 10.000 lượt nông dân về việc quản lý, thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Tại các huyện, thành phố, thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch các điểm đặt bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng lồng ghép với quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với thực tế từng địa phương.

Mô hình bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn.

Mô hình bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 5.468 bể chứa vỏ thuốc BVTV tại các xã, bản. Giai đoạn từ 2017 đến cuối năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thu gom, tiêu hủy được 80 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV.

Ông Tòng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, khẳng định: Việc xây dựng các bể chứa bao thuốc BVTV sau sử dụng tại các xã đã tạo cho người dân thói quen thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV. Bên cạnh đó, xã còn chỉ đạo Ban quản lý bản, tiểu khu đưa nội dung thu gom bao gói thuốc BVTV vào hương ước, quy ước của địa phương. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng", tránh lạm dụng, giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV.

Nhân dân xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Nhân dân xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Thu gom, chờ xử lý...

Với 5.468 bể chứa vỏ thuốc BVTV, nhưng hiện nay, toàn tỉnh mới có 1 kho lưu chứa tạm thời vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, công năng chứa khoảng 30 - 35 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV; chưa có khu vực lưu chứa trung chuyển, tập kết tại các huyện hoặc liên xã. Tại một số địa phương, việc thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa thực hiện đúng theo quy định (thu gom 2 lần/năm), nên tại một số bể chứa đã quá tải, tràn đầy xung quanh bể; một số bể chứa vỏ bao gói thuốc chưa được sử dụng đúng công năng, có cả rác sinh hoạt, làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Bên cạnh đó, việc xử lý tiêu hủy rác thải nguy hại này cũng gặp khó khăn do kinh phí cao, nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế. Đến cuối năm 2023, còn tồn gần 11 tấn đang lưu kho tại bản Pát, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La chưa tiêu hủy.

Tại Quyết định số 2858/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 UBND tỉnh đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là chủ nguồn thải, đơn vị đã thực hiện chức năng làm đầu mối thu gom số lượng vỏ bao gói thuốc BVTV từ các huyện, thành phố để đưa đi tiêu hủy tập trung theo quy định. Tuy nhiên, sang năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật không được giao kinh phí thực hiện xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, nhiệm vụ này do UBND các huyện, thành phố thực hiện.

Cán bộ ngành Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền nông dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng".

Cán bộ ngành Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền nông dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng".

Ông Hồ Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thông tin: Ngay từ đầu năm, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố lựa chọn và giao đầu mối cho 1 đơn vị quản lý bể chứa thực hiện các nhiệm vụ về thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV. Đồng thời, chủ động bố trí kinh phí việc thu gom, tiêu hủy, xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn theo quy định.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, thông tin: Hiện nay, huyện Mai Sơn có 420 bể chứa bao gói thuốc BVTV. Từ năm 2018 đến nay, đơn vị thu gom, bàn giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh vận chuyển đi xử lý, tiêu hủy gần 20 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV. Tuy nhiên, năm 2024, huyện chưa thực hiện được việc thu gom, do số lượng vỏ bao gói thuốc BVTV theo đợt chỉ khoảng từ 1-3 tấn, rất khó thuê đơn vị thu gom, vận chuyển, tiêu hủy số lượng này, trong khi đó, huyện không có kho chuyên dụng để lưu chứa chất thải nguy hại.

Còn tại huyện Yên Châu, năm 2024, việc xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV sau thu gom được giao cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện. Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm, thông tin: Bao bì, chai lọ thuốc BVTV qua sử dụng thuộc chất thải nguy hại, cần xử lý nghiêm ngặt. Việc được giao xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV khiến chúng tôi gặp khó khăn do số lượng doanh nghiệp được phép xử lý loại rác thải này rất ít, phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại từ cơ sở phát sinh về điểm giao nhận do chủ cơ sở tự trang bị, phải lắp đặt thiết bị định vị đối với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại, cung cấp tài khoản cho Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát, quản lý; phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Vướng mắc trong xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV sau thu gom rất cần sự quan tâm triển khai quyết liệt hơn nữa của các nganh liên quan, các địa phương, bảo đảm giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường mới, góp phần bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/can-som-xu-ly-vo-bao-bi-thuoc-bao-ve-thuc-vat-sau-thu-gom-NsbWaaUIR.html