Cần sự căn cơ cho sân khấu kịch xã hội hóa

Sàn diễn TP HCM vừa có thêm 3 đơn vị xã hội hóa là nhóm nghệ sĩ Hồng Ánh, Sân khấu Thiên Đăng của NSƯT Thành Lộc và Nhà hát Thanh Niên.

Một số vở diễn đã được dàn dựng ra mắt khán giả nhận được sự quan tâm của công chúng, riêng Sân khấu Thiên Đăng dù tháng 9 mới công diễn nhưng đã tạo sự chú ý bởi thu hút lực lượng diễn viên tên tuổi tham gia trong vở "Sân khấu về khuya".

Sự góp mặt của các đơn vị kịch xã hội hóa đã làm cho diện mạo sàn diễn kịch thành phố sinh động, đa dạng. Theo NSND Trần Minh Ngọc, sự nở rộ của sân khấu kịch trong giai đoạn hiện nay thể hiện tiềm năng sáng tạo dồi dào của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố, góp phần tạo nên những nhà quản lý sân khấu năng động, bản lĩnh.

"Từ đây cũng sẽ hình thành những khuynh hướng sáng tác, dàn dựng mới theo từng phong cách của mỗi thương hiệu đơn vị kịch. Khán giả TP HCM cũng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn để thưởng thức nhiều thể loại kịch" - NSND Trần Minh Ngọc nói.

Một cảnh trong vở kịch “Mình nói chuyện mình” của nhóm nghệ sĩ Hồng Ánh

Một cảnh trong vở kịch “Mình nói chuyện mình” của nhóm nghệ sĩ Hồng Ánh

NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng sự nở rộ sân khấu xã hội hóa sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, muốn tồn tại và phát triển buộc các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật phải liên tục sáng tạo, đổi mới. Điều này cũng là cơ hội cho đội ngũ tác giả trẻ, đạo diễn, diễn viên, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng… khẳng định năng lực của mình thông qua những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Tuy vậy, theo những người trong cuộc, bên cạnh những yếu tố tích cực như vừa đề cập, sân khấu xã hội hóa cũng có những thử thách với các văn nghệ sĩ, đó là duy trì "phong độ đường dài". Thực tế cho thấy sân khấu TP HCM đã nhiều lần nở nồi rồi sau đó co cụm lại. Minh chứng là với bề dày hơn 26 năm, song hiện nay Sân khấu IDECAF cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Những khó khăn mà Sân khấu IDECAF nói riêng và các sân khấu xã hội hóa thường mắc phải là thiếu nguồn kịch bản hay, cơ sở vật chất đạt chuẩn để biểu diễn. Phần lớn các sân khấu xã hội hóa đều thuê địa điểm để tổ chức biểu diễn, chưa có sân khấu riêng nên không thể đầu tư sân khấu với hệ thống âm thanh, ánh sáng, các trang thiết bị đáp ứng sự đổi mới của hình thức dàn dựng.

Đây là bài toán khó với các sân khấu xã hội hóa, cho thấy cần sớm có những giải pháp hỗ trợ thỏa đáng từ cơ quan chức năng, để các sân khấu xã hội hóa tồn tại và phát triển một cách căn cơ, bền vững.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/can-su-can-co-cho-san-khau-kich-xa-hoi-hoa-20230821202231556.htm