Cần sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên

ĐBP - Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN). Với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tỉnh xác định PCTN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ xuyên suốt. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc triển khai, thực hiện. Kết quả đạt được trong PCTN, tiêu cực đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác PCTN của một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, rõ ràng, cụ thể, chưa gắn với yêu cầu nhiệm vụ; phát hiện tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng qua hoạt động tự thanh tra, kiểm tra nội bộ còn hạn chế; việc tham gia của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong PCTN chưa thường xuyên.

Từ thực tế công tác PCTN thời gian qua cho thấy rằng: PCTN còn nhiều khó khăn, thách thức cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Quá trình hội nhập và phát triển, sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường dễ tác động, làm phát sinh nhận thức sai lệch trong một số cán bộ, đảng viên. Trước sự cám dỗ của vật chất, tiền bạc, một số cán bộ tha hóa phẩm chất, sống thực dụng, thích hưởng thụ. Từ đó dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật về PCTN.

Theo Luật PCTN năm 2018: “Tham nhũng” là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Thực tế cho thấy, người thực hiện hành vi tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, quan hệ, kinh nghiệm. Thời gian qua, đã có những cán bộ, đảng viên, có chức vụ, làm việc ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý. Năm 2021, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố 2 vụ, 3 bị can; Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý, xét xử 3 vụ, 6 bị cáo; kết quả thu hồi tài sản tham nhũng là 20,676 tỷ đồng. Quý I/2022, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố 1 vụ, 1 bị can; Tòa án Nhân dân cấp sơ thẩm đã thụ lý, xét xử 2 vụ, 5 bị cáo. Điển hình như Tòa án nhân dân huyện Điện Biên Đông xét xử và tuyên phạt 2 năm tù đối với: Lò Văn Thanh (thủ quỹ), Nguyễn Trọng Thanh (giáo viên) đều công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học Sư Lư. Hai bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn lập khống chứng từ chi và chiếm đoạt tiền tiền hỗ trợ chi phí học tập kỳ I và tiền hỗ trợ học sinh khuyết tật năm học 2018 - 2019 với số tiền 96,564 triệu đồng. Công an TP. Điện Biên Phủ đã khởi tố vụ án “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Khương, cán bộ Trung tâm Quản lý đất đai thành phố, có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 1,85 tỷ đồng. Hay trước đó, Tòa án Nhân dân huyện Tủa Chùa đã xét xử các bị cáo đều nguyên là cán bộ xã Tủa Thàng, gồm: Chủ tịch UBND, thủ quỹ, kế toán đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền điện hỗ trợ hộ nghèo và hộ chính sách xã hội...

Cần nhiều giải pháp trong công tác PCTN, trong đó có giải pháp quan trọng là tăng cường tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc vi phạm quy định pháp luật về PCTN thông qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức là điều đáng mừng. Song công tác này cần được chú trọng hơn bởi đây được đánh giá vẫn là điểm yếu trong PCTN. Xây dựng được cơ chế kiểm soát trong nội bộ hiệu quả sẽ ngăn ngừa xảy ra sai phạm, tiêu cực. Cùng với đó là có cơ chế động viên, khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên, tổ chức, cá nhân mạnh dạn phê bình, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Bởi vì nhiều người, trong đó có cán bộ, đảng viên còn tâm lý nể nang, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, không mạnh dạn đấu tranh với cái sai; thậm chí một bộ phận có thái độ thỏa hiệp.

Trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực, Đảng ta đã xác định: “Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị”. Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực, trong đó nhấn mạnh: “Cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác PCTN tiêu cực; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.”

Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát đồng thời trực tiếp thực hiện đối với những vụ việc quan trọng, chứ không phải giao toàn bộ nhiệm vụ cho cơ quan kiểm tra hay cán bộ lãnh đạo chuyên trách. Nội dung này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhấn mạnh trong các văn bản chỉ đạo công tác PCTN thời gian qua. Trong Kế hoạch 181/KH-UBND về công tác PCTN, tiêu cực năm 2022, UBND tỉnh đã yêu cầu: “phân công công việc của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đảm bảo rõ nguyên tắc, lĩnh vực nội dung. Thực hiện xử lý nghiêm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng”.

Hà Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/195847/can-su-guong-mau-cua-can-bo-dang-vien