Cần sự thay đổi, sàng lọc hoạt động nghệ thuật

Sau một thời gian dài dịch bệnh và giãn cách xã hội phải tạm dừng biểu diễn trực tiếp, thời điểm này, các hoạt động nghệ thuật đang bắt đầu khởi động trở lại; hứa hẹn sự khởi sắc đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng, song cũng phải đối mặt không ít những khó khăn.

Ngay sau thông báo mở cửa, từ ngày 9-5, các rạp chiếu phim CGV, BHD, Galaxy, Lotte Cinema, Beta Cinemas… đồng loạt công bố lịch chiếu, phần lớn là những phim Việt Nam từng ăn khách để kích cầu, như: Tháng năm rực rỡ, Anh trai yêu quái, Tấm Cám chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Gái già lắm chiêu 3…; cùng đó là sự "đổ bộ" của hàng loạt phim nước ngoài cũ và mới. Hồ hởi, song các nhà sản xuất và phát hành vẫn rất dè chừng bởi rạp phải bảo đảm an toàn giãn cách; không kỳ vọng nhiều về doanh thu trong thời điểm này. Nhằm đưa khán giả trở lại, các rạp đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi như giảm giá vé, tặng quà… Trước đó, giữa tháng 4, Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị có các biện pháp hỗ trợ điện ảnh nước nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ðóng cửa không chỉ khiến rạp chiếu phim không có bất kỳ nguồn doanh thu nào trong khi vẫn phải trả các chi phí cố định hằng tháng, mà còn dẫn đến việc hoãn phát hành nhiều phim đã đầu tư và có kế hoạch ra rạp. Bên cạnh đó, việc sản xuất các phim khác cũng bị lùi hoặc hoãn vô thời hạn… Vì vậy, sự mở cửa trở lại của các rạp chiếu đã phần nào vợi bớt nỗi lo của ngành điện ảnh nước nhà.

Nếu như các rạp chiếu phim đồng loạt mở cửa thì sân khấu, nhà hát cũng có kế hoạch và rục rịch mở màn. Thời gian qua dù tạm ngừng biểu diễn trực tiếp, chỉ có một số chương trình biểu diễn trực tuyến, nhưng nhiều nghệ sĩ, sân khấu vẫn duy trì hoạt động sáng tác; hoàn thành các tác phẩm ở nhiều thể loại, đề tài, nhất là những sáng tác mới mang tính thời sự, tuyên truyền phòng, chống dịch. Nghệ sĩ Minh Nhí thực hiện hai vở mới và chương trình Tri ân những thiên thần áo trắng; muốn gửi tặng 1.000 vé đến đội ngũ y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế. Sân khấu kịch Idecaf, TP Hồ Chí Minh dàn dựng lại, làm mới vở
hài kịch ăn khách Cậu Ðồng; có kế hoạch chuyển thể kịch bản phim Song lang thành nhạc kịch. Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh phối hợp Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đang dựng vở múa Ballet Kiều để lên sân khấu Nhà hát TP Hồ Chí Minh vào tháng 6 và Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 8 tới. Ðáng chú ý, 12 nhà hát thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiên phong trong việc sáng đèn trở lại, đồng loạt "ra quân" với đêm diễn mở màn của Nhà hát Kịch Việt Nam vào tối 23-5, vở Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ…

Theo các nhà chuyên môn, thị trường biểu diễn sẽ sớm phục hồi bởi nhu cầu giải trí nghệ thuật của khán giả có thể tăng mạnh sau thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, để có thể trở lại được như trước cũng không phải dễ dàng bởi những thiệt hại về tài chính, nguồn lực biểu diễn của các đơn vị và nghệ sĩ thời gian qua; tâm lý công chúng còn ngại tập trung đông người, điều kiện kinh tế của một bộ phận bị ảnh hưởng sau đại dịch... Mới đây, tại buổi làm việc với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thống nhất giải pháp hỗ trợ kinh phí để các đơn vị có thể biểu diễn đồng loạt nhằm kéo khán giả trở lại. Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, dịch Covid-19 cũng là cơ hội cho các đơn vị và nghệ sĩ có một "khoảng lặng" cần thiết để nhìn lại chính mình. Ðây là lúc cần có những sự thay đổi trong tư duy làm nghệ thuật mới kỳ vọng đáp ứng nhu cầu ngày càng "khó tính" của khán giả. Thực tế thời gian qua có nhiều chương trình còn sơ sài, cẩu thả từ nội dung tới hình thức; nếu cứ dựng và diễn theo lối mòn thì không thể thu hút người xem tới rạp, nhà hát. Vì thế, điều quan trọng nhất hiện nay là phải có những tác phẩm chất lượng cao; cần đầu tư, nâng cấp ngay từ khâu kịch bản, dàn dựng, thiết kế sân khấu sao cho đẹp, hấp dẫn và hiện đại hơn… Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Xuân Bắc cho biết, sự kỹ lưỡng thể hiện ở việc vừa qua, Hội đồng nghệ thuật Nhà hát đã "căng sức" thẩm định 40 kịch bản và lựa chọn được những kịch bản hay, phù hợp để dàn dựng trong thời gian tới.

Có thể thấy, dịch bệnh là thử thách, nhưng cũng là một cơ hội đối với nghệ thuật biểu diễn. Ðể làm sao sự trở lại của các đơn vị nghệ thuật, biểu diễn sau thời gian tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19 sẽ thật sự ấn tượng, có những thay đổi, sàng lọc cũng như đổi mới phù hợp đáp ứng nhu cầu công chúng vốn sẽ có những biến đổi sau đại dịch; từ đó từng bước nâng cao chất lượng và khắc phục khó khăn về kinh tế thời gian qua của nghệ thuật nước nhà.

PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/44671502-can-su-thay-doi-sang-loc-hoat-dong-nghe-thuat.html