Cần tăng chế tài đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả
Theo Đại tá Trần Hồng Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, hiện Bộ luật Hình sự sửa đổi đã có đủ cơ sở xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả. Tuy nhiên, Đại tá Trần Hồng Minh cũng đề xuất sớm sửa các luật chuyên ngành, quy định rõ cơ quan quản lý đầu ra thực phẩm để thuận tiện trong công tác phối hợp, xử lý.
Ý kiến trên được Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra tại buổi làm việc của đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội với UBND TP Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả mới đây (22/7).

Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ tang vật trong đường dây “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” vào tháng 1/2025.
TP Hồ Chí Minh là một trong những đầu mối phân phối thuốc cho các khu vực trên cả nước với 42 nhà máy sản xuất thuốc; 1.531 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 8.454 cơ sở bán lẻ thuốc; 647 cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Ở lĩnh vực thực phẩm, thành phố có hơn 2.800 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; hơn 13.700 cơ sở kinh doanh thực phẩm và hàng trăm bếp ăn, hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố…
Những số liệu kể trên cho thấy số lượng lớn các cơ sở bán buôn thuốc cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có mặt tại TP Hồ Chí Minh, nhưng cũng chính vì vậy mà tình hình sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả không kém phần nhức nhối.
BS.CK2 Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả mang lại lợi nhuận cao, hiện đang hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Cụ thể, đối tượng sản xuất thuốc giả bố trí nhiều địa điểm, sử dụng mạng xã hội hoặc ứng dụng giao hàng tận nhà để mua, bán nhằm che giấu địa điểm. Đối với hàng giả, các đối tượng tập trung vào những mặt hàng có giá trị cao, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cho người đặt hàng đến nơi sản xuất lấy hàng nhằm tránh bị phát hiện.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các vi phạm thường gặp về nguồn gốc và chất lượng thuốc trên địa bàn thành phố thời gian qua bao gồm: Kinh doanh thuốc không đúng với phạm vi ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; mua thuốc của cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; kinh doanh hàng hóa là thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có hóa đơn, chứng từ); chưa theo dõi dữ liệu về hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định, kể cả thuốc phải kiểm soát đặc biệt; không đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với dược liệu, vị thuốc cổ truyền.
Tính riêng trong năm 2024, quá trình kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh dược, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 8 cơ sở có kinh doanh thuốc giả. Ngoài ra, qua phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và phát hiện một nhà thuốc có kinh doanh thuốc giả. Ngay sau đó, Sở Y tế đã lập hồ sơ chuyển Công an thành phố xử lý.
Riêng vấn đề xử lý thuốc giả, thực phẩm giả khi tổ chức chính quyền 2 cấp, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh có chủ trương cho phép thành lập Phòng Kiểm tra - Pháp chế tại các sở chuyên ngành nên hoạt động kiểm tra vẫn thực hiện bình thường như trước đây. Ngoài ra, Phòng Văn hóa - Xã hội thuộc UBND cấp xã cũng được phân định thẩm quyền kiểm tra địa bàn…