Cần tăng cường tiếng Việt lớp 1 ở vùng dân tộc thiểu số
Chương trình tăng cường tiếng Việt lớp 1 được ngành giáo dục Bình Phước đưa vào giảng dạy ở một số trường từ năm học 2010-2011. Đây là giải pháp nhằm giúp học sinh vùng sâu, xa, nhất là học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) làm quen với các phương pháp dạy học, sách vở, chữ viết… trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình đã tạm dừng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tiếp thu kiến thức của học sinh trong những ngày đầu năm học mới.
Đa số học sinh chưa nhận diện được mặt chữ
Trường tiểu học Đắk Á, xã Bù Gia Mập là trường vùng sâu, xa, vùng khó khăn nhất của huyện Bù Gia Mập. Năm học 2022-2023, trường đón 104 học sinh vào lớp 1, trong đó 84% học sinh DTTS. Phần lớn các em chưa được học qua mẫu giáo, nguyên nhân là ở khu vực vùng sâu này có 4 thôn Đắk Á, Bù Nga, Bù La và Bù Rên nhưng chỉ có 1 trường mẫu giáo nên chưa đáp ứng nhu cầu các em đến lớp. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng chưa thật sự quan tâm việc học của con em mình. Điều đó càng trở nên khó khăn hơn khi các em không được làm quen với tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Cô Phương Thị Hà, giáo viên Trường tiểu học Đắk Á chia sẻ: “Phần lớn học sinh là con em đồng bào DTTS, ở nhà sử dụng tiếng mẹ đẻ nên môi trường giao tiếp tiếng Việt không có. Khi đi học, vốn từ tiếng Việt của các em rất ít, khả năng giao tiếp với cô và hình thành các kỹ năng tiếp cận môn học rất khó”.
Năm học này, Trường tiểu học Bù Gia Mập có 71 học sinh lớp 1 thì 70% là học sinh DTTS. Mặc dù ở trung tâm xã, các em đều được học qua mẫu giáo nhưng khả năng làm quen với tiếng Việt cũng không khá hơn so với học sinh Trường tiểu học Đắk Á. Cô Dương Thị Chuẩn, giáo viên Trường tiểu học Bù Gia Mập cho hay: “Các em không được đến trường học tăng cường tiếng Việt trong thời gian hè nên khi vào học lớp 1 gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, các em chưa nhận biết được mặt chữ, mặt số; thứ hai là chưa làm quen được các đồ dùng học tập, có một số em chưa biết cầm bút…”.
Áp lực cho giáo viên chủ nhiệm
Là một trong những giáo viên tham gia chương trình tăng cường tiếng Việt lớp 1 vào dịp hè từ những năm đầu triển khai tại Trường tiểu học Đắk Á, cô Phương Thị Hà cảm nhận rõ khó khăn và áp lực khi học sinh không được học tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Theo cô Hà, những học sinh được làm quen với tiếng Việt vào dịp hè thì khi bước vào năm học mới, việc dạy và học giữa cô - trò diễn ra suôn sẻ, nhẹ nhàng. Trái lại, những em chưa được làm quen với tiếng Việt gây áp lực rất lớn cho giáo viên chủ nhiệm. Bởi các em chưa nắm được những căn bản nhất của chương trình học và phải hướng dẫn từng ly từng tí, nhất là đối với học sinh DTTS, điều này mất rất nhiều thời gian, từ đó sẽ làm chậm chương trình dạy và học.
Khó khăn nhưng với phương châm “chậm mà chắc”, ngay từ những ngày đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã động viên giáo viên chủ nhiệm dành thời gian tập trung giúp các em làm quen với tiếng Việt như: ưu tiên dạy môn Tiếng Việt trước; ngoài tiết học chính thì tiếp tục dành thời gian rảnh vào cuối buổi, kể cả ngày nghỉ cuối tuần để tăng cường tiếng Việt cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đắk Á cho biết: “Thật sự rất khó khăn và áp lực cho giáo viên cả về thời gian cũng như chất lượng dạy và học khi các em chưa được trang bị gì trước khi vào lớp 1. Với tinh thần “tất cả vì học sinh”, chúng tôi động viên giáo viên chủ nhiệm tiếp tục bồi dưỡng, tăng cường tiếng Việt cho các em”.
Cần duy trì tăng cường tiếng Việt
Tiếng Việt là ngôn ngữ chính của nước ta. Đây là cánh cửa đầu tiên mở ra tri thức không chỉ cho học sinh mà với tất cả người dân Việt. Việc không thông thạo tiếng Việt không chỉ là rào cản trong quá trình nắm bắt tri thức, bởi các em không có đủ vốn từ vựng cần thiết để hiểu được nội dung các môn học mà còn làm cho học sinh có tâm lý tự ti, nhút nhát, ngại đến lớp, chất lượng học tập giảm sút.
Học sinh đến trường trong dịp hè được thầy, cô hướng dẫn nhằm tăng cường thêm tiếng Việt qua kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; được tham gia các trò chơi dân gian, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”, thi kể chuyện, thi chào hỏi… nhằm đem lại hiệu quả tích cực trong việc giúp các em nâng cao vốn từ tiếng Việt.
Trong 2 năm học vừa qua, tại trường khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh DTTS lớp 1 chưa cao, các em nghe và nói tiếng Việt chưa thành thạo thì làm sao có thể học tốt các môn. Vì vậy, tôi cho rằng việc tăng cường tiếng Việt lớp 1 cho học sinh vào dịp hè rất quan trọng, đặc biệt là những trường có đông học sinh DTTS.
Cô ĐỖ THỊ LỊCH, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bù Gia Mập
Năm học 2022-2023, huyện Bù Gia Mập có 1.459 học sinh vào lớp 1, trong đó gần 49,14% học sinh DTTS. Phần lớn các em ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn, môi trường giao tiếp tiếng Việt còn rất hạn chế và thiếu sự quan tâm của phụ huynh. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tiến độ dạy và học, đồng thời tạo áp lực lớn đối với giáo viên chủ nhiệm. Vì vậy, việc duy trì chương trình tăng cường tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1 là hết sức cần thiết và ý nghĩa.
Qua 2 năm tạm dừng tăng cường tiếng Việt lớp 1 cho thấy đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học, nhất là ở vùng sâu, vùng DTTS. Hiện nay, chúng tôi ưu tiên tăng cường tiếng Việt trong những tuần đầu năm học, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Hy vọng trong năm học tới, Sở GD&ĐT sẽ ban hành văn bản chỉ đạo để các trường tiếp tục triển khai chương trình này vào dịp hè.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Gia Mập LÊ VĂN CÔNG