Tổng Bí thư Tô Lâm: Người thầy là chủ thể rất quan trọng trong giáo dục, đào tạo
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Nhà giáo ngày 9-11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, người thầy là chủ thể rất quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo.
Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra vấn đề vai trò chiến lược của giáo dục và đào tạo. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhà giáo được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa chiến lược; là vấn đề đột phá quốc gia.
Đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh, trong công tác giáo dục, đào tạo thì người thầy là chủ thể rất quan trọng. “Muốn đào tạo, giáo dục phát triển được thì đầu tiên là phải có thầy cô; chúng ta đã xác định vai trò quan trọng của giáo dục, đào tạo, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của chủ thể là người thầy”, Tổng Bí thư nói.
Vấn đề được đồng chí Tô Lâm đặt ra là mối quan hệ giữa thầy và trò “nếu không có trò thì không có thầy” và đề nghị dự thảo Luật cần phải quy định rõ ràng, giải quyết tốt về mối quan hệ giữa thầy và trò, bảo đảm sự tương tác và hợp tác hiệu quả.
Vấn đề phổ cập giáo dục các cấp cũng đòi hỏi sự cân đối giữa số lượng thầy và số lượng trò. Tổng Bí thư cho biết trước đây thực hiện phổ cập tiểu học và trung học, tức là Nhà nước ban hành chính sách các cháu đến tuổi đi học là phải được đến trường (tiểu học và trung học cơ sở). “Nếu tiến lên hơn nữa thì Nhà nước phải bỏ học phí, thậm chí là nuôi các em, các cháu đến tuổi đi học, tiến bộ đến mức độ như vậy thì không thể nói là thiếu thầy được. Có trò là phải có thầy, phải quy định rõ”, đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh và cho rằng ứng dụng dữ liệu dân cư có thể cho biết số lượng học sinh đi học; có trò rồi thì phải chủ động có thầy, không thể để thiếu thầy, thiếu trường; cần giải quyết mối quan hệ này, từ đó có thể giải quyết được vấn đề đang tồn tại hiện nay trong ngành Giáo dục.
“Thiếu giáo viên, thiếu trường lớp đang là vấn đề rất thời sự”
Tổng Bí thư Tô Lâm
Đồng chí Tô Lâm cho rằng nhà giáo cần phải là những nhà khoa học, có trình độ chuyên môn sâu rộng, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu và giảng dạy. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối giữa nhà giáo, nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp và Nhà nước. “Khoa học là không dừng lại, tri thức cũng không dừng lại, đòi hỏi người thầy phải có tâm thế của nhà khoa học, chuyên môn rất sâu”, đồng chí Tô Lâm nói.
Đối với hội nhập quốc tế và yêu cầu về ngoại ngữ, Tổng Bí thư cho rằng dự thảo Luật cần phải đề cập đến chính sách đối với vấn đề hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là yêu cầu về trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) của đội ngũ nhà giáo. Bên cạnh đó, người nước ngoài giảng dạy thì có được quy định là nhà giáo không, có chấp hành theo những quy định của Luật Nhà giáo Việt Nam không? "Đây là những vấn đề cần có những chính sách rất cụ thể", đồng chí Tô Lâm nói.
Tổng Bí thư cũng đề cập đến vấn đề học tập suốt đời và sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo. Trong đó dự thảo Luật cần tạo điều kiện cho nhà giáo được học tập, bồi dưỡng và phát triển nghề nghiệp suốt cuộc đời, không bị hạn chế bởi tuổi tác hoặc các quy định về thời gian công tác nhằm huy động được nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, huy động xã hội tham gia vào công tác giáo dục, giảng dạy.
Đối với nhà giáo công tác tại các khu vực đặc thù như trại giam, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn..., Tổng Bí thư cho rằng cần có những chính sách đặc thù, ưu đãi để thu hút và giữ chân đội ngũ nhà giáo. “Chúng tôi đi miền núi thấy rất khó khăn. Để đến trường các cháu phải đi 20-30 cây số, làm sao đi hằng ngày được. Trường nội trú cũng không có, như vậy trò cũng không có trường, không có nơi ăn ở, sinh hoạt thì thầy lại càng không”, đồng chí Tô Lâm nói.
“Luật Nhà giáo ra đời, các thầy chờ đón rất nhiều. Làm sao tạo cho người thầy đón nhận Luật với tâm thế thực sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi chứ đừng để Luật đề ra thì người thầy lại thấy khó khăn hơn. Thầy giảng dạy tốt rồi thì sẽ thu hút được trò học tập”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.