Cần tạo thuận lợi cho người dân khi đổi 22 triệu giấy phép lái xe máy sang thẻ nhựa

Quy định Giấy phép lái xe máy vật liệu bìa được cấp trước ngày 1/7/2012 phải đổi sang thẻ nhựa (PET), theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cả chuyên gia và người dân.

Thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 22 triệu giấy phép lái môtô không thời hạn bằng vật liệu giấy (các loại bằng A1, A2 và A3) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012. Nếu dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua, người sử dụng giấy phép lái xe này sẽ phải làm thủ tục đổi mới sang thẻ PET.

Nguyên nhân là giấy phép lái xe môtô vật liệu bìa thiếu dữ liệu ngày tháng sinh, số căn cước công dân nên không thể tích hợp hệ thống quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam cũng như dữ liệu quốc gia về dân cư và tài khoản định danh điện tử (VNeDU).

Đau đầu chuyện giấy khám sức khỏe

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý người lái và phương tiện (Cục Đường bộ Việt Nam), Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình và mức phí cấp đổi. Theo đó, người đổi giấy phép không cần giấy khám sức khỏe, hồ sơ giấy phép cũ, mức phí là 135.000 đồng.

Tuy nhiên thực tế tại các địa phương có như vậy không? Là một người nằm trong diện phải đổi giấy phép lái xe mô tô, chị Phạm Thị Hiên (Phường Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, rõ ràng thông báo của Cục đường bộ Việt Nam là không cần giấy khám sức khỏe nhưng cán bộ tại địa phương vẫn yêu cầu chị có loại giấy này.

Việc trên ban hành một kiểu, dưới thực hành một kiểu tuy có thể không diễn ra ở tất cả các địa phương nhưng được lý giải có thể là do Cục Đường bộ Việt Nam không cần giấy khám sức khỏe nhưng trong một văn bản pháp luật khác lại có quy định trái ngược.

Đó là tại Khoản 3, điều 40 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe…

Quy định này tuy mới ra đời những đã thay đổi so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành là người lái xe máy không phải khám sức khỏe định kỳ. Bộ Y tế chỉ quy định việc khám định kỳ đối với người lái ô tô.

Đề xuất đổi giấy phép lái xe mô tô dạng giấy sang thẻ nhựa PET cần được xem xét kỹ lưỡng, tránh tạo gánh nặng cho người dân.

Đề xuất đổi giấy phép lái xe mô tô dạng giấy sang thẻ nhựa PET cần được xem xét kỹ lưỡng, tránh tạo gánh nặng cho người dân.

Sự trái ngược của hai văn bản quy định pháp luật có thể chính là điểm dẫn đến việc trên đưa ra quy định một kiểu nhưng dưới thực hiện một cách khác. Điều này thực chất là đang gây khó cho người dân khi trực tiếp đi làm các thủ tục đổi giấy phép lái xe mô tô tại các cơ quan hành chính tại địa phương. Vì để có được giấy phép lái xe không chỉ mất thời gian mà còn cả tiền bạc của người dân. Trong khi hiện nay, do áp lực của cuộc sống, nhiều người đã thực hiện mua giấy khám sức khỏe dẫn tới không mang lại hiệu quả để cập nhật dữ liệu.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết cùng là chính sách về giao thông đường bộ nhưng hai văn bản pháp luật này lại 'dẫm' vào nhau như kiểu 'trống đánh xuôi kèn thổi ngược'. Điều này không chỉ gây khó khăn trong thực hiện của cơ quản quản lý các cấp, mà còn gây thêm áp lực, khó khăn cho người dân, chưa kể có thể nảy sinh tiêu cực, sách nhiễu.

Tốn khoảng 2.970 tỷ đồng lệ phí

Một điều mà nhiều người quan tâm hiện nay đó là chi phí đổi giấy phép. Theo thông báo của Cục đường bộ, lệ phí đổi bằng lái xe sang thẻ PET sẽ là 135.000 đồng. Trong khi cũng theo thống kê của ngành này, có đến 22 triệu bằng lái phải đổi. Với hơn 22 triệu bằng lái cần đổi, người dân sẽ tốn khoảng 2.970 tỷ đồng lệ phí. Đây là con số khá lớn, thậm chí nhiều người phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới tin vào. Trong khi không ít người dân, cho rằng họ có thể đi đổi nhưng mức phí trên là khá cao.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, mức phí 135.000 đồng xét trên tổng số giấy phép lái xe cần phải đổi thì số tiền rất lớn. Vì vậy việc giảm số tiền phí hoặc xem xét miễn phí cho người dân để khuyến khích và thể hiện tính ưu Việt của chính sách sẽ mang lại hiệu quả và hiệu ứng tích cực hơn.

Nhưng sẽ có ý kiến cho rằng việc thu phí là để trả công cho những cán bộ làm các thủ tục đổi bằng. Nhưng trên thực tiễn cho thấy, cán bộ đổi bằng đều là cán bộ nhà nước, và xét trên bình diện chung, họ đều được Nhà nước trả lương từ ngân sách. Và ngược lại, một phần ngân sách nhà nước cũng là tiền thuế của dân và doanh nghiệp đóng góp.

Do đó, nếu yêu cầu đổi thì các cơ quan quản lý nên miễn phí hoặc chỉ lấy một chút phí tiền gửi về tận nhà cho dân. Trong khi để đổi được giấy phép, người dân sẽ mất thời gian đi xếp hàng, mất tiền đủ thứ như chi phí xăng xe, tiền làm thủ tục giấy tờ. Thậm chí nhiều người còn phải xin nghỉ làm vì cơ quan đổi giấy phép chỉ làm giờ hành chính.

Có thể nói, quy định về đổi giấy phép lái xe mô tô sang dạng PET trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm tích hợp dữ liệu cho người dân, tạo thuận lợi trong quản lý thông tin người lái mô tô là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần xem xét lại về sự đối nghịch trong các văn bản pháp luật và mức phí thực hiện để tránh làm khổ người dân. Bởi thực tế từ trước đến nay, chỉ xoay quanh vấn đề đi xe máy mà có nhiều đề xuất, dự thảo, quy định pháp luật gây khó cho người dân và không mang tính khả thi như “ngực lép không được lái xe máy”, đến việc lái xe phải có giấy khám sức khỏe định kỳ và giờ là đổi giấy phép lái xe.

Trong khi gần đây, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu hạn chế điều kiện kinh doanh không cần thiết. Thay vào đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính để bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Và cần đánh giá tác động của chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách đưa ra được hợp lý, khả thi, hiệu quả.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Thanh, với quy định này, cần thí điểm ở trên diện nhỏ để rút kinh nghiệm, nếu đổi giấy phép lái xe mô tô mang lại hiệu quả thì mới nên triển khai trên diện rộng. Tránh tình trạng đưa ra chính sách dồn dập, chưa đủ phát huy hiệu quả hay hoàn thành đã thay đổi chính sách mới khiến người dân không thể thích ứng kịp.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/can-tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-khi-doi-22-trieu-giay-phep-lai-xe-may-sang-the-nhua-1095676.html