Cẩn thận với chuyện… thách cưới
Hôn nhân vốn là kết quả của một tình yêu đã chín muồi của những cặp đôi. Ấy thế nhưng cái kết tưởng chừng viên mãn ấy đôi khi lại gặp trở ngại bởi một việc mà từ lâu nay đã được coi là 1 phong tục, đó là chuyện thách cưới.
Tan vỡ hôn nhân vì… thách cưới
Chuyện cưới hỏi truyền thống của Việt Nam vốn có rất nhiều phong tục và nghi lễ khác nhau. Có những nghi lễ được cho là đậm đà bản sắc dân tộc và giữ đến ngày nay như lễ dạm hỏi, lễ rước dâu… Có những nghi lễ được đơn giản hóa hoặc không còn tốn tại trong lễ rước râu của người Việt. Thách cưới là một tục lệ cổ xưa trong phong tục cưới hỏi truyền thống.
Thời xưa, muốn lấy được vợ, nhà trai phải đáp ứng được đòi hỏi về lễ vật mà nhà gái đưa ra. Xưa kia, người ta thách cưới bằng con lợn béo, xôi vò, rượu tăm, buồng cau, tiền cheo nộp cho làng... thì ngày nay tất cả lễ vật được gói gọn gồm: Chè, cau, rượu, thuốc... và số lượng lễ vật 3 lễ, 5 lễ hay 7 lễ cũng tùy thuộc vào từng gia đình. Tuy nhiên, ngoài những mâm lễ vật đó thì không thể thiếu chiếc tráp nhỏ phủ vải nhung đựng khoản tiền gọi là "lễ đen".
“Lễ đen” hay còn gọi là tiền thách cưới được xem như món quà, lời cảm ơn nhà trai dành cho nhà gái. Thường thì số tiền này tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và tấm lòng thành của nhà trai nhưng ở một số vùng miền, số tiền đó lại do nhà gái quy định. Cũng bởi sự khác biệt đó mà không ít tình huống éo le xảy ra trong ngày hai bên gia đình gặp gỡ, bàn bạc về chuyện cưới xin. Cũng có không ít cuộc tình đẹp như mơ tan vỡ trong nước mắt ngay trước thềm ngày cưới chỉ vì tục thách cưới.
H.L (SN 1989, Lạng Sơn) còn nhớ mãi câu chuyện lễ cưới của mình. Quê chồng cô ở Thái Bình, thách cưới đối họ là một hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ từ lâu. Bản thân cô cũng không biết quê mình có tục lệ thách cưới cao như thế nên không hề bàn bạc trước với chồng về khoản này. Ngày hai bên gia đình gặp mặt nói chuyện cưới xin, cô và gia đình chồng mới ngã ngửa khi bố mẹ cô đòi tiền… dẫn cưới. Theo cô, lúc đó, bố mẹ cô yêu cầu nhà trai phải đưa tiền dẫn cưới là 30 triệu đồng, kèm theo đó là lễ chín xôi gà, đầu lợn cùng lễ chay chè bánh, hoa quả…
Nhà chồng L sững sờ rồi thắc mắc về khoản tiền dẫn cưới. Bố mẹ cô giải thích, đó là tục lệ của làng, không thể thay đổi. Nhà trai chỉ đáp: “Quê tôi không có tục lệ này. Chúng tôi xin phép lo liệu vài ngày rồi trả lời bên nhà”. Và thế là chưa chốt được ngày cưới, chưa bàn bạc xong nghi thức cưới xin, nhà trai đã dứt khoát ra về. Chồng L sau đó nói rằng, bố mẹ anh không đồng ý với mức thách cưới như thế.
Việc cưới con dĩ nhiên tốn kém, tuy nhiên, tiền dẫn cưới hoặc không, hoặc có cũng chỉ là tượng trưng, không đâu có mức tiền như kiểu… “bán con” như vậy. Sau câu chuyện nhùng nhằng việc thách cưới, quan hệ của L với bạn trai cũng dần xảy ra mâu thuẫn rồi tan vỡ. Nhớ lại câu chuyện cũ, L cho rằng, tất nhiên không phải chuyện thách cưới là lý do chính, nhưng nó cũng tác động thêm để chuyện tình của cô đứt gánh.
Thách cưới quá cao là hành vi vi phạm pháp luật
Về chuyện thách cưới, nhìn dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc thách cưới quá cao là một hành vi vi phạm pháp luật. Tập quán về hôn nhân và gia đình cũng được pháp luật điều chỉnh dựa trên quy tắc xử sự lặp đi lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hôn nhân và gia đình. Các khái niệm này đều được định nghĩa tại Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Cũng tại Luật Hôn nhân và Gia đình, chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo đảm dựa trên các nguyên tắc quy định tại Điều 2. Với các nguyên tắc pháp luật đã quy định thì pháp luật tôn trọng hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Tập quán về hôn nhân và gia đình cũng được quy định rất rõ ràng, có nội dung về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng tại điều 7. Như vậy, để đảm bảo việc thách cưới vừa mang tính truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa song vẫn hợp lý, cũng có những quy định điều chỉnh nếu người nào có hành vi sai lệch, lạm dụng, cản trở hôn nhân. “Việc thách cưới quá cao hay không hợp lý gây khó khăn trong quá trình tiến tới hôn nhân được coi là yêu sách cản trở hôn nhân.” – theo luật sư Hùng.
Mặc dù pháp luật khuyến khích phát huy, áp dụng những tập quán trong hôn nhân và gia đình nhưng những tập quán đó phải là những tập quán có văn hóa, đạo đức tốt đẹp; còn những tập quán lạc hậu cần thì phải xóa bỏ vậy nên vẫn còn có một số tập quán lạc hậu mà pháp luật phải nghiêm cấm. Tại các Điều 2, 3, 4, 5 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định về nguyên tắc, thỏa thuận, giải quyết vụ việc và tuyên truyền, vận động về áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình.
Ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP này có phụ lục danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xỏa bỏ hoặc cấm áp dụng, trong đó các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng.
Trong đó có quy định rõ hành vi thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới) là hành vi bị nghiêm cấm. Chính vì vậy tập quán thách cưới cao mang tính chất gả bán là hành vi vi phạm pháp luật.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-than-voi-chuyen-thach-cuoi-331000.html