Cần tháo gỡ những khó khăn

Năm học 2022 - 2023, khối lớp 10 bắt đầu thực hiện đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, các trường THPT nói riêng, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nói chung đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tốt nội dung này.

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lớp 10:

Khó khăn lựa chọn tổ hợp môn học

Năm học 2022 - 2023, Trường THPT số 3 Bảo Thắng sẽ tuyển sinh 5 lớp 10, với 255 chỉ tiêu. Thầy giáo Cao Quý Đông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc tuyển sinh lớp 10 không quá khó khăn, nhưng vấn đề Ban Giám hiệu lo lắng là năm nay ngoài 7 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương và 2 môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2, học sinh lớp 10 sẽ được lựa chọn tổ hợp môn học theo nhu cầu.

Giờ học của học sinh Trường THPT số 3 Bảo Thắng.

Giờ học của học sinh Trường THPT số 3 Bảo Thắng.

Vừa qua, căn cứ các điều kiện cần thiết, nhà trường xác định 5 tổ hợp môn tương ứng với 5 lớp 10 cho học sinh đăng ký lựa chọn, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Tin học; Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Tin học; Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Sinh học, Công nghệ; Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Hóa học, Công nghệ; Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Vật lý, Công nghệ.

Như vậy, có 2 lớp theo hướng khoa học tự nhiên, 3 lớp theo hướng khoa học xã hội.

Việc sắp xếp các lớp học theo tổ hợp môn học không dễ, bởi hiện nay trường chưa nắm chắc nhu cầu của học sinh. Mặt khác, đối với môn tiếng Trung Quốc, trong nguồn tuyển chỉ có 55 học sinh lớp 9 đang học tiếng Trung Quốc nên khi các em lên lớp 10, xếp 1 lớp thì quá đông, xếp 2 lớp lại không đủ học sinh.

Theo thầy giáo Phạm Thanh Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng, năm học mới, trường tuyển sinh 8 lớp 10 với 325 học sinh. Nhà trường xây dựng 2 lớp học theo định hướng khoa học tự nhiên tương ứng 2 tổ hợp và 6 lớp học định hướng khoa học xã hội tương ứng 6 tổ hợp. Với chuyên đề học tập lựa chọn, căn cứ các khối xét tuyển đại học sẽ thực hiện 1 trong 3 phương án là chuyên đề Toán, Ngữ văn, Lịch sử; Toán, Ngữ văn, Địa lý; Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

Tại hội nghị chuẩn bị dạy học lớp 10 năm học 2022 - 2023, đại diện nhà trường đã có ý kiến với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc học sinh lớp 9 đang học chương trình hiện hành chuyển sang lớp 10 học theo chương trình đổi mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc học sinh lựa chọn môn học ngay từ năm lớp 10, khi lên lớp 11, lớp 12 không thể thay đổi sẽ gây khó cho học sinh. Ở lớp 10, nhiều học sinh chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nhiều em lựa chọn theo nguyện vọng của bố mẹ, sau này dễ có nhu cầu thay đổi môn học. Ngoài ra, một số học sinh lựa chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật trong khi nhà trường không có giáo viên...

“Bài toán” về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất

Học sinh bán trú Trường THPT số 2 Bảo Thắng ôn bài.

Học sinh bán trú Trường THPT số 2 Bảo Thắng ôn bài.

Câu chuyện tại Trường THPT số 3 và THPT số 2 Bảo Thắng cũng là vấn đề chung của nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh hiện nay. Cùng với khó khăn về việc lựa chọn tổ hợp môn học và lựa chọn chuyên đề học tập phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, còn có những bất cập khác.

Theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, học sinh từ lớp 10 sẽ được học thêm các môn mới như Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục kinh tế - pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đang gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên, đặc biệt là ở những môn chuyên biệt.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh thiếu 1.128 biên chế (trong đó giáo viên 842 biên chế, nhân viên 286 biên chế; thiếu 541 giáo viên dạy tiếng Anh, 88 giáo viên dạy tin học, 71 giáo viên âm nhạc, 69 giáo viên mỹ thuật). Riêng khối THPT hiện thiếu khoảng 100 giáo viên, chủ yếu là giáo viên dạy toán, ngoại ngữ, tin học, không có giáo viên mỹ thuật, chỉ có 1 giáo viên âm nhạc.

Cùng với đội ngũ, các trường THPT còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang - thiết bị dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều trường thiếu phòng học bộ môn hoặc đã có phòng học bộ môn nhưng không đủ đồ dùng, thiết bị dạy học.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Quan điểm chung của ngành là ưu tiên mọi điều kiện và nguồn lực để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với khối lớp 10, sở đã chỉ đạo các trường THPT căn cứ tình hình thực tế về đội ngũ, cơ sở vật chất để xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn theo quy định mà trường có thể đáp ứng được. Các trường cũng cần thông báo nội dung chương trình học rộng rãi tới phụ huynh và học sinh cùng kế hoạch tuyển sinh năm học mới, đồng thời mỗi trường thành lập 1 tổ tư vấn để tư vấn cho học sinh lựa chọn các môn học phù hợp.

Về đội ngũ giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo rà soát, cơ cấu lại các tổ chức trong nhà trường theo hướng tinh giản đầu mối, nâng cao hiệu quả để giảm tối đa số tiết kiêm nhiệm của giáo viên; điều chuyển, biệt phái giáo viên từ các trường ít khó khăn về đội ngũ hơn, sắp xếp đến các trường còn thiếu; tiếp tục tăng cường giáo viên giúp đỡ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thiếu giáo viên, đặc biệt là với các bộ môn Tiếng Anh, Tin học… theo phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” do Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành giáo dục tỉnh phát động.

Chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học mới 2022 - 2023, cùng với các giải pháp trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho tỉnh thực hiện phương án cho phép thỉnh giảng giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn chuyên biệt; rà soát, sắp xếp cử giáo viên đi học văn bằng 2. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh cho phép hợp đồng giáo viên còn thiếu trong chỉ tiêu biên chế được giao trong khi chờ tuyển dụng…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355671-can-thao-go-nhung-kho-khan