Cần thay đổi 'quán tính' cũ của cơ quan hành pháp khi thực hiện Nghị quyết 68

Trong khuôn khổ góp ý cho dự thảo Nghị quyết số 68, tại phiên thảo luận tại tổ chiều ngày 15/5 các đại biểu tập trung ý kiến về việc hoàn thiện nội dung dự thảo gắn sát với thực tế, đặc biệt là làm rõ vai trò của các cơ quan hành pháp, tăng tính kết nối giữa các khu vực kinh tế…

Cơ quan công quyền cần được đưa vào đối tượng điều chỉnh

Theo đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh), Dự thảo hiện chủ yếu tập trung vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, một điểm còn thiếu sót là chưa đề cập đến vai trò và trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, cơ quan công quyền những chủ thể đóng vai trò then chốt trong việc thực thi chính sách, nhưng lại đang vận hành theo tư duy quản lý cũ, chưa thực sự chuyển sang tư duy hỗ trợ doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ rằng có thể nhiều cơ quan công quyền vẫn theo quán tính cũ, do đó, cần bổ sung các cơ quan này vào đối tượng áp dụng của Nghị quyết, từ đó tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy họ thay đổi tư duy và hành động, thực sự trở thành lực lượng hỗ trợ cho khu vực tư nhân phát triển", ông Bế Trung Anh nêu rõ.

Đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh)

Đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh)

Ở góc nhìn khác, Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) nêu ý kiến, về Khoản 1, Điều 7, Dự thảo quy định cho phép địa phương sử dụng ngân sách để hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ doanh nghiệp tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng kiến nghị cần bổ sung thêm nội dung cho phép địa phương áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, thuận lợi, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện hơn.

Một điểm đáng chú ý trong góp ý của đại biểu là vấn đề khái niệm. Hiện tại, dự thảo chỉ giải thích ba khái niệm, trong đó có “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” – một thuật ngữ quan trọng liên quan đến hàng loạt chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông, định nghĩa này chưa thực sự chính xác, còn khác biệt so với cách hiểu của chuyên gia và thực tiễn.

Đại biểu kiến nghị cần rà soát, điều chỉnh khái niệm này, đồng thời bổ sung thêm các khái niệm mới như: “lương công nghệ”, “doanh nghiệp công nghệ cao”, “công nghiệp nền tảng”, “dự án xanh”, “dự án cờ hoa” và “thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử”. Đây đều là những khái niệm mới, liên quan trực tiếp đến nội dung chính sách và cần được làm rõ để tạo thuận lợi trong triển khai sau này.

“Tại Khoản 3, Điều 4 của dự thảo, cụm từ “xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra gây khó dễ cho doanh nghiệp” tôi cho rằng chưa đủ mạnh để răn đe. Thay vào đó, tôi đề xuất sử dụng cụm từ “nghiêm cấm”, nhằm khẳng định rõ hơn quan điểm không khoan nhượng với các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp”, ông Hùng kiến nghị thêm.

Hình thành một hệ sinh thái kinh tế hỗ trợ, cộng hưởng lẫn nhau

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng, kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng, nhưng không thể tách rời khỏi tổng thể nền kinh tế, vốn còn bao gồm kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì vậy, Nghị quyết cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, có tính kết nối, tạo ra sự phối hợp giữa các khu vực, thay vì chỉ tập trung riêng vào khu vực tư nhân.

“Chúng ta cần hình thành một hệ sinh thái kinh tế mà trong đó các thành phần kinh tế có thể hỗ trợ, cộng hưởng lẫn nhau – đây là yếu tố còn thiếu trong dự thảo hiện nay,” ông Hùng nói.

Đặc biệt, tại Khoản 4, Điều 7, quy định dành 20 ha hoặc 5% diện tích khu công nghiệp cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một bước đột phá. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng cần có cơ chế linh hoạt để tránh lãng phí đất đai trong trường hợp không có doanh nghiệp đủ điều kiện thuê đất trong thời gian dài.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ)

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ)

Chia sẻ thực tiễn đi khảo sát tại các địa phương, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, không phải tỉnh nào cũng có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển công nghiệp công nghệ cao. Ví dụ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nền đất yếu, trong khi khu vực Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương lại có nền đất cứng hơn, thuận lợi hơn cho xây dựng hạ tầng.

Ông cũng dẫn trường hợp Tập đoàn NVIDIA của Mỹ chọn Hải Phòng làm điểm đến đầu tư, nhưng yêu cầu nguồn điện gấp đôi công suất cảng Hải Phòng – điều mà địa phương chưa thể đáp ứng ngay. “Điều này cho thấy, không chỉ đất đai mà cả hạ tầng kỹ thuật, năng lượng là yếu tố then chốt quyết định thành công của chính sách,” ông nhấn mạnh.

Cảnh báo một số doanh nghiệp có thể “lách” chính sách miễn thuế

Về Điều 10 – chính sách thuế, phí, đại biểu đồng tình với hai điểm lớn trong dự thảo: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trong 2 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, ông cho rằng mức ưu đãi này vẫn chưa tương xứng với ưu đãi đang dành cho FDI – vốn được miễn thuế 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng mức ưu đãi, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp trong nước đổi mới, sáng tạo.

Ngoài ra, đại biểu cảnh báo khả năng một số doanh nghiệp có thể “lách” chính sách miễn thuế bằng cách thay đổi pháp nhân sau mỗi 3 năm để tiếp tục được hưởng ưu đãi. Cần có cơ chế kiểm soát để ngăn ngừa hành vi lợi dụng chính sách.

Vân Hồng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/can-thay-doi-quan-tinh-cu-cua-co-quan-hanh-phap-khi-thuc-hien-nghi-quyet-68-post1199701.vov