Cần thêm giải pháp nâng cao chất lượng lao động đồng bằng sông Cửu Long

Chất lượng lao động đang là vấn đề lớn đối với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua. Phần lớn lao động tại các địa phương này chưa qua đào tạo và có tay nghề thấp, chỉ khoảng 6,8% trên tổng số dân ở bậc đại học, so với cả nước là 63%; tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 14,9% (trong số hơn 10 triệu lao động).

Những con số này cho thấy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tại khu vực này cần những giải pháp mạnh mẽ, khoa học hơn nhằm tạo ra động lực giúp các địa phương phát triển toàn diện.

Chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng

Khi đề cập đến nguồn nhân lực trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ý kiến cho rằng, nơi đây có lợi thế nguồn lao động dồi dào, nhanh nhạy, sẵn sàng tiếp cận các cơ hội việc làm, song lại có điểm yếu là tay nghề chưa cao. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 10 triệu lao động, tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 14,9% và tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên là 6,8%, thấp nhất cả nước.

Theo đánh giá của GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, nhân lực khu vực này ngoài việc thiếu kỹ năng, còn chịu tác động lớn từ đợt chuyển dịch lao động do đại dịch Covid-19; khoảng 1,3 triệu người ở các khu công nghiệp Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An di chuyển trở về Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đó chứng tỏ, lực lượng lao động ở đây không có "đất" để phát triển. Sự dịch chuyển lao động cũng là vấn đề gây khó khăn cho chính vùng này. Như vậy, có thể nói, quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đô thị hóa ở đồng bằng sông Cửu Long phát triển khá nhanh, nhưng nguồn nhân lực được đào tạo, huấn luyện bài bản, có tay nghề, có bằng cấp cũng là vấn đề khó khăn.

Theo khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ, phần lớn doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn về nhân lực. Ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh và Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi đang thiếu nguồn lao động chất lượng cao, giỏi tiếng Anh, dù đăng tuyển nhưng vẫn chưa tìm được”.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho biết, hiện nay chúng ta đang hướng đến chuyển đổi số và theo dự báo trong quý III.2022, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp về phát triển phần mềm - kỹ thuật dữ liệu - trí tuệ nhân tạo (AI)... Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho những vị trí này chưa nhiều. Theo báo cáo của nhóm quản trị nhà nước kiêm cố vấn phát triển số của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, trong tổng số 430.000 nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của cả nước, những người từ đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 5%. Điều này chưa tương xứng với tiềm năng dân số, khi dân số của vùng chiếm 19% dân số cả nước.

Cần cải tiến công tác đào tạo

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ đã đề xuất một số giải pháp. Về mặt giáo dục - đào tạo, phải đổi mới chương trình đào tạo thích ứng trong điều kiện mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, với vấn đề hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin.Tiếp đến là đào tạo, phân luồng, vì hiện nay phân luồng đào tạo nghề và đào tạo trình độ đại học chưa hiệu quả. Ngoài ra, nguồn nhân lực đã tốt nghiệp một thời gian khá dài cần đào tạo lại để nâng cao trình độ, đáp ứng điều kiện mới.

Bên cạnh đó, nhân sự các cấp đòi hỏi phải có sự phân cấp rõ ràng, bởi đây là cơ sở để phát triển nguồn chất lượng cao. Đại học Cần Thơ hiện có 80 công nghệ sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian nghiên cứu lại. Trường chuyển giao một cách thuận lợi để doanh nghiệp có thể ứng dụng phát triển sản phẩm của mình.

Từ góc độ doanh nghiệp, theo bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhân sự), kết nối nhân tài, phát triển nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long cần được định vị, kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, xác định những ngành đào tạo trọng yếu, thực hiện cùng lúc 3 chiến lược, gồm: tuyển dụng - thu hút nhân tài, phát triển nguồn lực tại vùng và “mượn” chất xám từ các chuyên gia trong nước, quốc tế về làm việc tại đồng bằng sông Cửu Long.

“Trước khi đào tạo, các cơ sở cần xác định chính xác nhu cầu của thị trường lao động để doanh nghiệp “đặt hàng”; đồng thời, cần tăng cường thực hiện mô hình “trong doanh nghiệp có trường học, trong trường học có doanh nghiệp” để sinh viên được thực hành sớm nhất. Đối với thu hút nguồn nhân lực, cần khơi dậy niềm tự hào về quê hương, xứ sở và có thêm nhiều chính sách ưu đãi, tạo động lực để các chuyên gia, nhân lực chất lượng cao sẵn sàng về làm việc. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cũng là giải pháp để phát triển, thu hút được nhân lực chất lượng cao” - bà Tiêu Yến Trinh đề xuất.

Tùng Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/can-them-giai-phap-nang-cao-chat-luong-lao-dong-dong-bang-song-cuu-long-i305790/