Cần thêm những không gian sinh hoạt cộng đồng cho đô thị Biên Hòa
Trước việc thiếu hụt các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, mới đây, Sở Xây dựng đã đề xuất ý tưởng chỉnh trang và hình thành các quảng trường gắn với các địa danh, di tích lịch sử của thành phố Biên Hòa để có thể tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa phục vụ người dân.
Ý tưởng đề xuất chỉnh trang, hình thành các quảng trường nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 29-12-2023 của UBND tỉnh về các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chỉnh trang đô thị tại các đô thị Biên Hòa, Long Khánh và thị trấn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn đến năm 2025.
Thiếu và yếu
Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh có quy mô dân số lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, nhiều năm qua, áp lực của quá trình đô thị hóa đối với hệ thống hạ tầng bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là rất lớn.
Đánh giá về thực trạng phát triển hạ tầng của đô thị Biên Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, là đô thị loại I trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước nhưng khi so sánh với các đô thị loại I khác trong cả nước thì còn rất khập khiễng. Thực tế, hiện nay, hầu hết các hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, thoát nước… của đô thị Biên Hòa chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tương tự, hệ thống hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống người dân như: công viên, bãi đậu xe, nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà tang lễ, quảng trường… cũng đang ở trong tình trạng “vừa thiếu, vừa yếu”.
Theo Sở Xây dựng, quảng trường đối với các đô thị là một không gian công cộng của dân cư đô thị. Đây là nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện xã hội, những sinh hoạt văn hóa, lễ hội, buôn bán hay đơn giản là nơi để người dân tụ họp hoặc dạo chơi. Quảng trường đồng thời đóng vai trò tạo tính chất thành thị cho mỗi đô thị, tổ chức và gắn kết cộng đồng dân cư đô thị. Tuy nhiên, thực trạng của đô thị Biên Hòa hiện nay là đang thiếu trầm trọng các quảng trường.
Theo Sở Xây dựng, việc tổ chức lại 2 quảng trường dựa trên các nguyên tắc: không can thiệp, không tác động trực tiếp đến di tích; tập trung cải tạo không gian, cảnh quan nhằm tăng giá trị di tích, tăng môi trường kết nối, giáo dục cộng đồng, tham quan, triển lãm tranh ảnh, lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa và mở không gian quảng trường quy mô nhỏ, không gian để thỏa mãn nhu cầu dịch vụ thương mại và văn hóa, màu sắc hoài cổ.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Biên Hòa hiện chỉ có một vài quảng trường như: Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh; quảng trường Sông Phố; quảng trường Aqua. Thế nhưng, các quảng trường này chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Quảng trường Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh hiện được đánh giá là chưa có quy mô, chưa tương xứng với vị thế của một đô thị loại I như thành phố Biên Hòa. Trong khi đó, quảng trường Aqua chủ yếu phục vụ cho nội khu của khu đô thị này.
Riêng quảng trường Sông Phố hiện không còn giữ được quy mô như lúc mới được xây dựng vào đầu thế kỷ XX.
“Hiện nay, khu vực quảng trường Sông Phố đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Bởi trước đây, khu vực này chỉ có một số trụ sở cơ quan nhà nước chứ không san sát nhà cửa như thời điểm hiện tại” - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại chia sẻ.
Đề xuất ý tưởng chỉnh trang, hình thành 2 quảng trường
Trước thực trạng thiếu hụt các quảng trường, Sở Xây dựng mới đây đã đề xuất ý tưởng chỉnh trang và hình thành các quảng trường Sông Phố và Thành Cổ (Thành Kèn).
Cụ thể, đối với quảng trường Sông Phố sẽ hình thành với không gian quảng trường được kéo dài, gần giống như một tuyến phố hay một hành lang. Đồng thời, tổ chức lại không gian để tạo cảm giác trục tuyến chính không ở vị trí xung khắc, hướng về sông Đồng Nai. Ở đầu và cuối quảng trường có một công trình điểm nhấn để chuyển tiếp sang các không gian đô thị khác, nơi người dân được tập trung cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Trong khi đó, quảng trường Thành Cổ được đề xuất ý tưởng hình thành quảng trường đóng, tạo một không gian độc lập, giống như một “căn phòng” ngoài trời. Quảng trường này được bao bọc bởi mặt tiền các tòa nhà xung quanh và được mở ra thông suốt với tuyến phố Phan Chu Trinh, tạo cảm giác của quảng trường là sự gần gũi, nhỏ nhắn, an toàn, nội tâm.
Liên quan đến khu vực Thành Cổ, tại buổi làm việc của Hội Kiến trúc sư tỉnh, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ tỉnh mới đây để nghe các kiến trúc sư, nhóm kiến trúc sư trình bày về các ý tưởng đóng góp cải tạo, chỉnh trang đô thị Biên Hòa, kiến trúc sư Đặng Quang Vinh và cộng sự đã đề xuất ý tưởng tổ chức không gian khu vực này.
Theo kiến trúc sư Đặng Quang Vinh, ý tưởng tổ chức không gian được bắt đầu từ Thành Cổ Biên Hòa đi dọc đường Phan Chu Trinh đến nhà hàng Xuân Đào đối diện chợ Biên Hòa. Theo đó, khu vực không gian Thành Cổ sẽ được chỉnh trang hình thành các chức năng như: bãi đậu xe, khu vực cây xanh, quảng trường. Sau đó, kết nối qua đường Phan Chu Trinh đến với khu vực ven sông Đồng Nai trước khu nhà lồng chợ Biên Hòa. Tại đây sẽ hình thành một quảng trường ven sông để tạo không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân với một phần quảng trường nổi trên mặt sông.
“Ý tưởng được lấy cảm hứng từ quy hoạch Thành cổ Biên Hòa xưa và quảng trường ven biển Vũng Tàu” - kiến trúc sư Đặng Quang Vinh cho biết.