Cận thị giả - Căn bệnh khó nhận biết
Hiện nay, tỉ lệ học sinh bị tật khúc xạ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tăng cao, theo ghi nhận của Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm 2023 đến nay, có hơn 4000 bệnh nhân đến khám vì mắc các vấn đề về tật khúc xạ, trong đó chủ yếu là cận thị. Cận thị giả có những biểu hiện gần giống tật cận thị, là căn bệnh khiến nhiều người lầm tưởng và chủ quan không chữa trị dẫn đến những hậu quả khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mắt. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Hương Giang – Phó Trưởng khoa Nhãn nhi – Khúc xạ, Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ về vấn đề này.
PV: Thưa bác sĩ, “Cận thị giả” là bệnh gì?
BS Đoàn Hương Giang: Cận thị giả là sự chuyển thể tạm thời, không liên tục về mặt khúc xạ của con mắt sang tình trạng cận thị. Khi đó ảnh của vật được nhìn sẽ hội tụ trước võng mạc (giống như trong cận thị) do sự co thắt thoáng qua của cơ thể mi, làm tăng công suất khúc xạ của mắt. Những rối loạn này ở hai dạng: Thực thể và cơ năng. Thực thể là do hệ thần kinh phó giao cảm bị kích động quá mức. Cơ năng là do mệt mỏi thị giác hay những khó chịu nhất thời của mắt, thường gặp ở học sinh, nhân viên văn phòng... Những người thường xuyên phải viết, sử dụng máy tính, điện thoại...
PV: Biểu hiện của “cận thị giả” như thế nào?
BS Đoàn Hương Giang: Triệu chứng cận thị giả cũng giống cận thị thật, đó là mỏi mắt, nhìn xa bị mờ, nhức đầu, chảy nước mắt và gặp khó khăn sau một thời gian dài làm việc trong cự ly gần. Nhiều trường hợp, người mắc cận thị giả lựa chọn giải pháp đeo kính trước khi thăm khám kỹ lưỡng với bác sỹ nhãn khoa. Thời gian đầu, người mắc cận thị giả đeo kính vào sẽ nhìn rõ hơn. Nhưng sau 1-2 tuần đeo kính, bệnh nhân sẽ cảm thấy mỏi mắt, nhức mắt, thường xuyên đau đầu và nhìn mọi thứ mờ dần đi. Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục cố gắng đeo kính sẽ khiến tình trạng này kéo dài, mắt phải điều tiết quá nhiều do đeo kính với số độ không phù hợp sẽ dẫn đến cận thị thật.
PV: Làm thế nào để phân biệt cận thị thật và cận thị giả?
BS Đoàn Hương Giang: Để chẩn đoán phân biệt cận thị thật và cận thị giả chỉ cần thử thị lực và nhỏ thuốc liệt điều tiết như Atropin hay Cyclopegic để đo khúc xạ, soi bóng đồng tử.
PV: Xin bác sĩ cho biết cách phòng ngừa bệnh “cận thị giả”?
BS Đoàn Hương Giang: Thực tế, “cận thị giả” rất dễ bị nhầm lẫn với cận thị thực. Vì thế, rất nhiều phụ huynh chưa đưa con mình đi khám, điều trị mà đã cho con đeo kính cận. Điều này dễ dẫn tới trẻ bị nhược thị gây lác, nhược thị không hồi phục, thậm chí nếu dùng kính sai (kính loạn) sẽ ảnh hưởng lớn đến đôi mắt nói riêng và sức khỏe nói chung.
Tùy thuộc mức độ cận thị giả mà bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng kính mắt chuyên dụng để hỗ trợ quá trình điều tiết nhẹ nhàng hơn và ngừng đeo kính khi mắt đã phục hồi hoặc bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng các thuốc nhỏ mắt hỗ trợ điều tiết kèm với việc điều chỉnh thói quen sử dụng mắt. Tạo thói quen cho mắt nghỉ ngơi giữa các quãng làm việc để tránh tình trạng co quắp điều tiết với quy tắc 20/20/20: Sau mỗi 20 phút làm việc, hãy cho mắt ngơi nghỉ 20 giây, đồng thời nhìn ra xa 20 feet (6m) hoặc đi lại để thư giãn cho mắt.
Đảm bảo cự ly sử dụng mắt hợp lý: Chú ý ngồi đúng tư thế và giữ khoảng cách từ mắt đến sách báo là 35cm; tới màn hình điện thoại là 40-45cm; tới màn hình máy tính là 50cm – 60cm. Bổ sung dinh dưỡng cho mắt như các loại thực phẩm chứa vitamin A, B, D... trong thực phẩm và thuốc nhỏ mắt để mắt chống mệt mỏi và thoái hóa.
Cận thị giả là bệnh lý có thể dễ dàng điều trị, tuy nhiên nếu bỏ qua hoặc điều trị không đúng cách có thể khiến tình trạng cận thị diễn tiến nghiêm trọng hơn. Khám mắt định là biện pháp hữu hiệu nhất để phát hiện chính xác các bệnh lý ở mắt, trong đó có cận thị giả. Đặc biệt với đối tượng là trẻ em, việc thăm khám định kỳ ngay trước thời điểm trẻ đến trường hoặc ngay khi có bất thường về thị lực ở mắt là hết sức cần thiết để đảm bảo mắt của trẻ được theo dõi, tầm soát khỏi các nguy cơ cận thị giả cũng như các tật khúc xạ khác.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/y-te/can-thi-gia-can-benh-kho-nhan-biet/203491.htm