Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Gói thầu Kè sông Như Ý, đoạn từ Đập Đá đến cầu Vân Dương đã thi công cơ bản hoàn thành

Gói thầu Kè sông Như Ý, đoạn từ Đập Đá đến cầu Vân Dương đã thi công cơ bản hoàn thành

Một số hạng mục chưa hoàn thành

DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế có tổng số vốn hơn 5.100 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản hơn 4.435 tỷ đồng, còn lại hơn 667 tỷ đồng là vốn đối ứng địa phương. Giai đoạn 1 của DA được thực hiện trên địa bàn 11 phường ở khu vực phía nam TP. Huế từ tháng 8/2015 và đã hoàn thành trong năm 2020. Từ nguồn vốn kết dư của DA, hiện nay chủ đầu tư đang triển khai 6 gói thầu xây lắp, với 12 hạng mục công trình trên địa bàn TP. Huế và Khu đô thị mới An Vân Dương.

DA với mục tiêu tăng cường năng lực thoát nước, giảm nhẹ thiên tai do ngập úng và thực hiện thu gom, xử lý nước thải cho khu vực Nam sông Hương, TP. Huế; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không được kiểm soát và không được xử lý, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân và hạn chế nguồn phát sinh dịch bệnh, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo Ban QLDA, đối với các hạng mục bổ sung sử dụng vốn kết dư của DA đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh DA năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công nỗ lực, tranh thủ thời gian, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình thực hiện.

Đơn cử, tại gói thầu Kè sông Như Ý, đoạn từ Đập Đá đến cầu Vân Dương, đến nay đã thi công hoàn thành 100% khối lượng các hạng mục đóng cọc dự ứng lực và bê tông dầm mũ, cọc bê tông ly tâm, bê tông dầm neo. Cầu vòm đã thông kỹ thuật và nạo vét được 21.000m3 cát, đất tận dụng đắp thân kè. Bãi đỗ xe thi công lát đá granite và hoàn thiện hơn 1km bê tông mặt đường… với khối lượng thực hiện đạt hơn 90% giá trị xây lắp theo hợp đồng.

Đối với công tác xây lắp, đến nay DA thực hiện đạt khoảng 90%, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, quá trình thực hiện DA đã gặp một số khó khăn, như thiếu vốn ODA do tỷ giá đồng ngoại tệ JPY (đồng Yên Nhật) giảm mạnh và kéo dài, tiến độ thực hiện một số công việc của DA chậm hơn kế hoạch do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên đến ngày 30/6/2024, thời hạn giải ngân cuối cùng của thỏa thuận vay, nhưng một số hạng mục công việc của DA vẫn chưa hoàn thành, DA hết nguồn vốn để tiếp tục triển khai và hết thời gian thực hiện.

Cần bổ sung nguồn vốn

Để đảm bảo thực hiện đầy đủ tất cả các hạng mục theo quy mô, mục tiêu đã phê duyệt cũng như để thanh toán các chi phí lãi suất, phí cam kết trong thời gian thực hiện các hạng mục sử dụng vốn kết dư, thanh toán chi phí hạng mục tư vấn, giải phóng mặt bằng phát sinh, quản lý DA và chi phí khác, số vốn còn thiếu của DA theo tính toán còn khoảng 254,2 tỷ đồng nên theo Ban QLDA cần thiết phải bổ sung chi phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện.

DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế được xác định là DA trọng điểm của tỉnh với quy mô và nguồn vốn vay lớn, công nghệ hiện đại, góp phần quan trọng giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ, cải thiện mỹ quan đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường cho TP. Huế. Để đảm bảo DA được thực hiện đầy đủ các hạng mục, hoàn thành được tất cả các mục tiêu ban đầu, UBND tỉnh đề xuất Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025. Điều chỉnh tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn DA nhằm bổ sung thêm vốn đối ứng để tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại của DA để bù cho phần vốn ODA bị thiếu do tỷ giá của đồng JPY giảm mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban QLDA cho biết, hiện nay hồ sơ phương án thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư DA đang được các bộ, ngành tích cực triển khai hoàn thiện để trình Chính phủ. Thời gian qua, với sự đầu tư từ DA bằng nguốn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, diện mạo đô thị và môi trường khu vực Nam sông Hương, TP. Huế đã được cải thiện đáng kể.

Việc sử dụng nguồn kết dư của DA để hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Nam sông Hương, TP. Huế hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đề ra trong “Quy hoạch hệ thống thoát nước mặt TP. Huế”, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả DA, hiệu quả nguồn vốn vay, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật của thành phố.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/can-thiet-dieu-chinh-chu-truong-dau-tu-du-an-cai-thien-moi-truong-nuoc-tp-hue-149061.html