Cần thiết đưa thuế giá trị gia tăng phân bón về mức 5%

Theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế (Luật Thuế 71), phân bón từ đối tượng đang chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% thành đối tượng không chịu thuế GTGT. Không ít ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh này khiến giá phân bón trong nước tăng lên, từ đó doanh nghiệp sản xuất phân bón lâm vào khó khăn, còn nông dân phải gồng gánh chi phí sản xuất cao…

Băn khoăn về Luật Thuế 71

Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu là một trong những chủ trương quan trọng nhằm điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Để thực hiện chủ trương này, năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế 71, có hiệu lực từ năm 2015.

Tại Khoản 1, Điều 3, Luật Thuế 71 quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT, được kỳ vọng có thể giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp.

Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai thực hiện Luật thuế 71, do doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT nên không những giá bán phân bón trong nước không giảm mà còn tăng lên.

Bà con nông dân mong sớm có chính sách tính giá phân bón hợp lý để đỡ kinh phí đầu vào. Ảnh: PVN

Bà con nông dân mong sớm có chính sách tính giá phân bón hợp lý để đỡ kinh phí đầu vào. Ảnh: PVN

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015, khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 - 6,1%... so với những năm còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Giá phân bón đến tay bà con nông dân cũng tăng theo, kéo theo chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp tăng lên đáng kể; đồng thời làm hạn chế sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư sản xuất phân bón.

Thực tế đã cho thấy, chính sách thuế GTGT phân bón trong Luật Thuế 71 hiện hành đi ngược lại so với kỳ vọng ban đầu là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân. Không chỉ như vậy, chính sách thuế GTGT phân bón hiện nay còn tạo ra nhiều hệ lụy khác cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước khi có nguy cơ thua ngay trên sân nhà trước phân bón nhập ngoại, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp…

Nông dân gặp khó vì giá phân bón cao

Sau khi Luật Thuế 71 được ban hành và đi vào cuộc sống, giá phân bón tăng lên nhanh chóng, đỉnh điểm là vào năm 2022; trong khi đó, giá thành nông sản bấp bênh, chi phí đầu vào tăng khiến cho người nông dân gặp không ít khó khăn.

Ông Phan Văn Minh (xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho hay, gia đình ông hiện đang canh tác 7 sào lúa (mỗi sào Trung Bộ tương đương 500m2) và 4 sào hoa màu. Nhiều năm gần đây, gia đình ông đều dùng phân bón của các doanh nghiệp nội địa.

Theo tính toán của ông Minh, 1 sào lúa thu hoạch được khoảng 1,5 - 2 tạ thóc, bán được khoảng 1,2 triệu đồng; trong đó chi phí để mua các loại phân bón như NPK, đạm, kali, hóa chất chiếm gần một nửa, còn lại là chi phí mua giống, thuê máy móc và một số chi phí khác; sau khi trừ đi tất cả các chi phí, tiền lãi còn lại rất ít, lấy công làm lời.

Bà Nguyễn Ngọc Hiền (56 tuổi, trú tại xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cho hay, do giá phân bón tăng cao, người làm nông rất thiệt thòi vì nếu giảm lượng phân bón trong các giai đoạn bón lót, bón thúc thì lúa chậm phát triển, không chắc hạt dẫn đến năng suất thấp, nếu bón đủ thì lại tốn thêm chi phí, gây ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bà con; bà Hiền mong muốn, có chính sách giảm giá phân bón hợp lý, ổn định, để bà con nông dân được nhờ.

Thực tế cho thấy, khi không chịu thuế GTGT, giá phân bón tăng lên đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến người nông dân, nhất là vào những đợt thị trường sốt giá như năm 2022, đến mức khiến nông dân phải thu hẹp diện tích sản xuất hoặc bỏ vụ. Cộng thêm với giai đoạn gần đây, các phần chi phí khác trong sản xuất nông nghiệp như nhân công, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng, giá nông sản thì "nhảy múa" liên hồi, khiến người nông dân đã khó nay càng thêm khó.

Vì vậy, không ít chuyên gia cho rằng, cần thiết đưa thuế giá trị gia tăng phân bón về mức 5% để giảm bớt gánh nặng cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón.

Bạch Hạc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/can-thiet-dua-thue-gia-tri-gia-tang-phan-bon-ve-muc-5--i376011/