Cần thiết nâng tỷ lệ vốn Nhà nước trong các dự án PPP giao thông

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thiết nâng tỷ lệ của vốn nhà nước tham gia dự án PPP giao thông, nhưng nâng lên bao nhiêu phải giữ được nguyên tắc hài hòa giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, phải đảm bảo được tính khả thi.

Tránh việc kéo dài dự án

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, ngày 9/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Vấn đề tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại các dự án PPP được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Đại biểu Lại Văn Hoàn (Đoàn tỉnh Thái Bình) nhìn nhận, thời gian qua Chính phủ đã tập trung quyết liệt và có những kết quả quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ, đưa các công trình hạ tầng thiết yếu, một số tuyến cao tốc vào khai thác sử dụng.

Đồng tình việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, đại biểu Lại Văn Hoàn cho rằng, qua xem xét lại một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược, tổng mức đầu tư rất lớn gồm nhiều hợp phần khác nhau đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng; đồng thời kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP. Vì vậy nguồn lực Nhà nước sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư.

Đại biểu Lại Văn Hoàn (Đoàn tỉnh Thái Bình). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Lại Văn Hoàn (Đoàn tỉnh Thái Bình). Ảnh: Quốc hội

Một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính… cũng cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn.

Ngoài ra, một số dự án hạ tầng kết nối liên vùng dầu tư theo hình thức PPP được phê duyệt và triển khai trước khi luật PPP ban hành (năm 2020) có hiệu lực, trong đó nguồn lực Nhà nước chiếm tỷ trọng cao theo quy định của Luật và của Nghị định 63/2018/NĐCP về đầu tư theo phương thức PPP vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện và cần được phân bổ đủ nguồn.

Từ thực tiễn triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình, đại biểu cho rằng, nếu theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tăng phần vốn Nhà nước lên 70% thì cũng không tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án.

Vì vậy, đại biểu đề nghị tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư, riêng đối với dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình đề nghị chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn nhà nước 80% tổng mức đầu tư của dự án, hoặc cho phép tiếp tục tăng phần vốn Nhà nước so với chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ băn khoăn với Luật PPP chỉ quy định tỉ lệ vốn của Nhà nước không quá 50% tổng mức vốn đầu tư của dự án. Dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án đầu tư theo hình thức này.

Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị việc hợp tác đầu tư công tác cần cân nhắc tỉ lệ vốn góp, trình tự thủ tục đầu tư, tránh việc kéo dài dự án, thời gian từ khi đề xuất đến khi khởi công dự án quá dài.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình). Ảnh: Quốc hội

Nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cùng góp ý về cơ chế, chính sách về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP. Theo đại biểu, cơ sở quan trọng nhất, mấu chốt nhất để xác định tỷ lệ này như thế nào là hợp lý, cần dựa trên sự cân bằng, không làm mất đi tính chất "hợp tác công tư" nhưng cũng phải cân bằng với tính khả thi của tỷ lệ này. Bởi vì, cơ chế đưa ra không khả thi, không áp dụng được thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có những lợi ích khác.

Kiến nghị Chính phủ nên cân nhắc kỹ lưỡng và nâng tỷ lệ này lên 80%, đại biểu lý giải: Trong bối cảnh về đặc thù, nên quan tâm nhiều hơn để tìm điểm cân bằng, đó là tính khả thi và giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Chính phủ có tham chiếu Nghị quyết thí điểm của Thành phố Hồ Chí Minh để đưa ra con số là 70%. Điều này là hoàn toàn đúng đắn, nhưng không nhất thiết phải lấy đúng y như con số của Thành phố Hồ Chí Minh vì các công trình, dự án của Thành phố Hồ Chí Minh có thể rất khác.

“Đây là tỷ lệ tối đa phần vốn nhà nước có thể được tham gia. Như vậy đây là dư địa để cho các địa phương đàm phán với các nhà đầu tư nhưng không có nghĩa nó luôn luôn là tỷ lệ cao nhất, các địa phương tùy vào từng hoàn cảnh, họ có thể có những bài toán, có những đàm phán mà tỷ lệ tham gia của Nhà nước có thể dưới tỷ lệ tối đa mà chúng ta cho phép”, đại biểu nói.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tỷ lệ vốn tham gia vào các dự án PPP là vấn đề hết sức khó và nhạy cảm trong các dự án PPP. Trước đây không quy định tỷ lệ, khi sửa đổi Luật PPP thì quy định là 50%, nhưng bây giờ lại thấy không còn phù hợp.

Vì, những dự án đi qua các địa phương mà lưu lượng xe hiện nay thấp, nhu cầu vận tải không cao nên khả năng thu hồi vốn thấp. Các nhà đầu tư không quan tâm. Khi nhà đầu tư không tham gia thì các ngân hàng cho vay cũng không tham gia, mà ngân hàng không cho vay, nhà đầu tư không tham gia thì không còn tính hấp dẫn và không còn tính khả thi, đòi hỏi tỷ lệ vốn nhà nước phải cao hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng cho rằng, lý do nâng tỷ lệ của vốn nhà nước tham gia lên và sự cần thiết phải nâng lên là có, nhưng nâng lên bao nhiêu, phải giữ được nguyên tắc hài hòa giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, phải đảm bảo được tính khả thi.

“Nếu giảm thấp quá thì các nhà đầu tư hay các tổ chức tài chính không cho vay. Nhưng nếu chúng ta nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP nữa. Bởi vì, còn lãi định mức, lãi ngân hàng, chúng ta cộng vào, nhà đầu tư tham gia không còn nhiều nữa thì làm đầu tư công còn hơn.

Làm đầu tư công nâng cao được năng lực cạnh tranh là không phải thu phí người dân, không phải thu phí doanh nghiệp, không phải chịu phí ở các đường này, các địa phương này lại càng có năng lực cạnh tranh tốt hơn. Chúng tôi rất đắn đo và thiết kế bao nhiêu. Tại sao lấy 70%, vì chúng ta có sẵn. Khi đánh giá nghị quyết của Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta đã nghiên cứu rất kỹ, có thể làm cơ sở để chúng ta dựa vào đây”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, có thể có những dự án tùy tính chất của dự án, có thể về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; có thể về nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo; có những vấn đề về xã hội ở đây mà không nói riêng vấn đề hiệu quả kinh tế thì nhà nước phải đầu tư thì tỷ lê có thể cao hơn, khoảng 70% đến 75% là hợp lý. Tùy từng dự án cụ thể thì người có thẩm quyền sẽ quyết định là bao nhiêu và tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước có thể tham gia được vào bao nhiêu thì mới quyết định.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-thiet-nang-ty-le-von-nha-nuoc-trong-cac-du-an-ppp-giao-thong-162507.html