Cần Thơ diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân
Ngày 12/9, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi 'Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp thành phố năm 2024'. Buổi diễn tập là dịp để tuyên truyền và nâng cao nhận thức, kinh nghiệm ứng phó cho các cơ quan, ban, ngành, các cơ sở bức xạ, người dân về các tình huống sự cố bức xạ có thể xảy ra.
Phát biểu tại buổi diễn tập, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Trong những năm gần đây, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử, kỹ thuật hạt nhân đã có những bước tiến vượt bậc trong chẩn đoán và điều trị, nhất là bệnh ung thư. Đồng thời, việc sử dụng các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ trong các lĩnh vực đã phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho xã hội.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có hơn 100 cơ sở bức xạ bao gồm các cơ sở X-quang y tế, cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và các thiết bị phát tia X dùng trong y tế, công nghiệp. Trong đó, các cơ sở y tế có sử dụng nguồn phóng xạ cao như: Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121 và Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Bình quân mỗi năm, TP Cần Thơ đã thực hiện hơn 1,2 triệu lượt ca chụp X-quang phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích và hiệu quả của ứng dụng năng lượng hạt nhân mang lại, chúng ta cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức liên quan đến an toàn bức xạ, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng động và môi trường. Do đó, việc đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết và quan trọng, vậy nên đòi hỏi các ngành các cấp đặc biệt là ngành khoa học phải luôn sẵn sàng và có kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố bức xạ hạt nhân xảy ra.
Tại buổi diễn tập, các đại biểu đến từ 12 tỉnh/thành khu vực ĐBSCL cùng người dân TP Cần Thơ đã được xem qua tình huống giả định về “Sự cố cháy tại phòng Hotlab Khoa Y học hạt nhân – Bệnh viện ung bướu (có lưu giữ thuốc phóng xạ I-131 và Tc-99m) cháy không rõ nguyên nhân”. Tình huống diễn tập được diễn ra với sự tham gia của các lực lượng đến từ Công an TP Cần Thơ, Phòng khoa học QK9 - Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ, Sở Y tế TP Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP Cần Thơ.
Theo Ban tổ chức, thông qua tình huống diễn tập giả định này, các lực lượng tham gia diễn tập sẽ được đào tạo và huấn luyện về các kỹ thuật, phương pháp ứng phó cũng như cách thức phối hợp khi có sự cố bức xạ hạt nhân xảy ra, qua đó góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng trong trường hợp khẩn cấp. Cạnh đó, tình huống diễn tập còn giúp người dân nâng cao nhận thức về nguy cơ, cách ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân có thể xảy ra tại các cơ sở y học hạt nhân, công nghiệp, cũng như cách yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Phát biểu đánh giá tổng quan buổi diễn tập, ông Nguyễn Tuấn Khải – Cục Trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, tình huống diễn tập giả định ngày hôm nay là một kịch bản tương đối khó, với nhiều tình tiết phức tạp xoay quanh sự cố cháy nổ có liên quan đến nhiều thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ hạt nhân dạng lỏng tại một cơ sở y tế. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, các lực lượng tham gia diễn tập đã phối hợp chặt chẽ, thực hành đầy đủ các kỹ năng kiểm soát nhiễm bẩn phóng xạ, phân vùng phóng xạ, xử lý nhiễm bẩn nguồn phóng xạ ngoài hiện trường, cũng như tiếp cận và sử dụng hiệu quả các thiết bị chuyên dụng trong công tác ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân. Qua đó, góp phần tạo nên một diễn tập thành công, hiệu quả.