Cần Thơ đột phá, trở thành đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL

Cần Thơ được xem là trung tâm của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, để trở thành anh cả của vùng, TP này cần sớm tháo gỡ nhiều điểm nghẽn.

Dịp đầu năm mới, Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - xung quanh những thành tựu đạt được thời gian qua và định hướng sắp tới.

- Phóng viên: Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật mà TP Cần Thơ đạt được trong năm 2020?

- Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG: Thực hiện mục tiêu "kép" theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, TP luôn bám sát các mục tiêu và thực hiện nghiêm túc các giải pháp theo chỉ đạo. Nhờ đó kinh tế TP tiếp tục duy trì tăng trưởng dương; sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ đã có những khởi sắc.

Ông Trần Việt Trường

Ông Trần Việt Trường

Các hình thức tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. Cải cách hành chính, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện theo hướng bình đẳng, minh bạch đã khuyến khích doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Nội ô TP Cần Thơ về đêm

Nội ô TP Cần Thơ về đêm

TP thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách nhà nước; quản lý, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu chi hỗ trợ, phòng, chống dịch Covid-19 và các mục tiêu đầu tư phát triển của TP.

Có thể nói, năm qua, TP Cần Thơ gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thiên tai... nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội (KT-XH) phục hồi và phát triển khá toàn diện. Đây là động lực tạo đà để TP hoàn thành tốt chỉ tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh (QP-AN) trong năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

- Ông chia sẻ gì về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của TP Cần Thơ năm 2021?

- Năm 2021, TP xác định chủ đề năm là "Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ", với mục tiêu phát huy đồng bộ các yếu tố, tiềm năng, lợi thế, phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.

TP Cần Thơ sẽ ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội

TP Cần Thơ sẽ ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội

Trong đó, TP sẽ phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và bền vững kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, phát triển logistics, văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh tiếp tục được giữ vững.

TP tập trung phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý tốt tài sản công.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực.

Thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, đi đôi với giải ngân tốt các nguồn vốn và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Theo ông, về lâu dài, Cần Thơ cần tháo gỡ những điểm nghẽn nào để đột phá, xứng danh là "anh cả" của vùng ĐBSCL?

- Đối với TP Cần Thơ, đường bộ vẫn còn các tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang và đường trục chính đô thị quan trọng chưa được đầu tư xây dựng như: các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Quốc lộ 91 đoạn Km0-Km7; đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C; các đường tỉnh 917, 918, 921, 923.

Các bến xe, bãi đỗ xe, bến tàu tổng hợp chưa có nhà đầu tư xây dựng và khai thác. Ùn tắc giao thông đô thị chưa được khắc phục tại một số trục đường chính và các nút giao thông trọng điểm. Quản lý và điều tiết giao thông còn thủ công chưa có hệ thống giao thông thông minh.

Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ không chỉ giúp Cần Thơ đột phá mà cả ĐBSCL được hưởng lợi

Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ không chỉ giúp Cần Thơ đột phá mà cả ĐBSCL được hưởng lợi

Về đường thủy, chủ yếu khai thác theo địa hình sông, rạch tự nhiên có đường đi quanh co dẫn đến cự ly hành trình dài, chưa được đầu tư nạo vét, cải tạo luồng tuyến đạt cấp kỹ thuật theo quy hoạch; cảng, bến thủy nội địa phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cảng tổng hợp hành khách, hàng hóa quy mô cấp vùng.

Về đường biển, cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics chưa được đầu tư đồng bộ, luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào Sông Hậu hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khai thác do sạt lở không đảm bảo độ sâu để mở các tuyến container đi các nước Đông Nam Á cho tàu biển. Chưa có trung tâm logistics hàng không, sân bay quốc tế Cần Thơ chưa có nhiều đường bay nội địa và quốc tế.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59 về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu "Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc vào năm 2030 và thuộc nhóm các TP phát triển khá ở Châu Á vào năm 2045".

Cần tháo nhiều điểm nghẽn về giao thông để Cần Thơ và ĐBSCL phát triển

Cần tháo nhiều điểm nghẽn về giao thông để Cần Thơ và ĐBSCL phát triển

Việc ban hành nghị quyết trên đã khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Cần Thơ trong vùng ĐBSCL và cả nước; giúp đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất trong tư tưởng và nhận thức của cả hệ thống chính trị, động viên nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, là sức mạnh tổng hợp, mở đường cho việc đưa ra những khâu đột phá, những chương trình trọng điểm, những giải pháp mới và thu hút nguồn lực, cả vật chất và tinh thần, phục vụ sự phát triển cho TP Cần Thơ, đóng góp chung vào sự phát triển của vùng và của cả nước.

- Phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cho Cần Thơ và ĐBSCL là rất quan trọng. Theo ông, đó có phải là vấn đề cốt yếu để vùng phát triển bền vững trong tương lai gần hay không?

- Thực hiện theo nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Thành ủy, HĐND TP Cần Thơ, những năm qua kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được Bộ Giao thông Vận tải cũng như TP Cần Thơ huy động nhiều nguồn vốn khác nhau đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm, trọng điểm đã góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, giúp cho việc kết nối TP Cần Thơ với các tỉnh vùng ĐBSCL và TP HCM, kết nối các quận, huyện trong TP ngày càng thuận lợi, nhanh chóng và từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Cần Thơ.

Về đường bộ: đã hoàn thành đưa vào khai thác các quốc lộ (Quốc lộ 1, Quốc lộ 91 đoạn Km7-Km50+889, Quốc lộ 91B, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) và các đường trục chính đô thị (đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, đường Võ Nguyên Giáp).

Đồng thời, một số đường đô thị thuộc Dự án phát triển TP Cần Thơ tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (cầu và đường Trần Hoàng Na, tuyến đường hẻm 91 - đường tỉnh 918, đường Hoàng Quốc Việt), đường vành đai sân bay và đặc biệt là đường tỉnh 922 đoạn từ Quốc lộ 91B - Cờ Đỏ đang khẩn trương thi công để sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sẽ góp phần rất lớn trong việc hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ.

Về đường thủy nội địa: hoàn thành việc nạo vét một số tuyến kênh quan trọng như: Thắng Lợi 1, Thốt Nốt, Bốn Tổng - Một Ngàn, KH6, KH8 giúp vận chuyển hàng hóa, hành khách ngày càng tốt hơn.

Về đường biển: hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu đã thông luồng kỹ thuật năm 2017 góp phần nâng cao năng lực vận tải biển, tạo điều kiện phát triển TP Cần Thơ thành điểm tập kết, xuất nhập hàng hóa cho khu vực ĐBSCL.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được trong những năm qua, dự báo sự tăng trưởng và phát triển của TP trong những năm tới thì kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đánh giá tình hình và nguyên nhân trong Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã chỉ rõ: "Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hiện đại, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL".

Trên cơ sở đó, TP Cần Thơ sẽ kiến nghị nghiên cứu định hướng quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP và vùng ĐBSCL, gồm:

Chú trọng tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị phải đạt 24-26% diện tích đô thị theo quy định tiêu chí đô thị loại I đối với TP Cần Thơ. Nghiên cứu định hướng quy hoạch và danh mục ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông giải quyết điểm nghẽn, tăng khả năng liên kết vùng, liên kết toàn TP Cần Thơ, liên kết giữa các phương thức vận tải, phát triển giao thông đô thị và giao thông công cộng.

Một số các dự án quan trọng kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển TP Cần Thơ nói riêng và vùng đồng ĐBSCL nói chung, như: Kiến nghị trung ương quy hoạch ưu tiên triển khai đầu tư và hoàn thành trước năm 2030 các dự án trọng điểm kết nối vùng như: các tuyến cao tốc (Mỹ Thuận - Cần Thơ, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau); các tuyến quốc lộ (nâng cấp Quốc lộ Nam Sông Hậu đoạn từ ngã năm cầu Cần Thơ đến Cảng Cái Cui; Tuyến tránh TP Long Xuyên đoạn Thốt Nốt - Lộ Tẻ; Quốc lộ 61C giai đoạn 2; Quốc lộ 91 đoạn Km0-Km7; đường kết nối TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang).

Đầu tư nâng cấp phát triển Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, xây dựng Trung tâm logistics hàng không, xúc tiến mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp quy hoạch mạng lưới cảng hàng không quốc gia; nghiên cứu sớm triển khai đầu tư tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ.

Về phía TP Cần Thơ, sẽ ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025 như: đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C; các đường tỉnh 917, 918, 921, 923; các đường đô thị quan trọng (tuyến đường hẻm 91 đoạn Long Tuyền đến Quốc lộ 91C; đường Mậu Thân đoạn từ cầu Rạch Ngỗng 1 đến đường Trần Hưng Đạo; đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường Nguyễn Văn Linh...).

Triển khai đầu tư luồng tuyến, phương tiện, xây dựng cơ sở hạ tầng bến bãi vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để nâng tỷ lệ đảm nhận đạt 10% đến năm 2025 và 20-30% đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu kết nối giao thông công cộng liên tỉnh giữa TP Cần Thơ với các tỉnh lân cận; kêu gọi đầu tư các bến xe khách, bãi đỗ xe công cộng, bến tàu tổng hợp, xe buýt nhanh phù hợp lộ trình từng giai đoạn phát triển theo quy hoạch; đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh, áp dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, giám sát hoạt động vận tải và đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

- Xin cảm ơn ông!

CÔNG TUẤN ghi. Ảnh: TRUNG QUÂN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/can-tho-dot-pha-tro-thanh-do-thi-hat-nhan-vung-dbscl-20210216140110272.htm