Cần Thơ góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự thảo luật). Hội thảo ghi nhận các ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; qua đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục người chưa thành niên trong tình hình mới.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Lam – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ cho biết: Hiện tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật ngày càng chuyển biến phức tạp. Bởi thông qua các số liệu thống kê cho thấy, thời gian qua, số vụ án và số lượng nghi phạm dưới 18 tuổi phạm tội khá lớn, tuổi đời của các nghi phạm cũng được trẻ hóa và tính chất của các vụ án cũng ngày càng nghiêm trọng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Lam, ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự qua các thời kỳ đều quy định người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số loại tội phạm, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do sự phát triển về kinh tế - xã hội, tình trạng người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi phạm tội ngày càng nhiều; không chỉ phạm tội về trật tự xã hội mà còn về kinh tế, ma túy, công nghệ, nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không được coi là tội phạm.
Do đó, việc xây dựng và ban hành một đạo luật chuyên biệt để bảo vệ, giáo dục người chưa thành niên trong tình hình mới là điều rất cần thiết. Đồng thời, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị sẽ là nguồn tư liệu, kiến thức quý báu để đơn vị tổng hợp báo cáo về TANDTC trình Quốc hội xem xét.
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, việc dự thảo luật được xây dựng và ban hành trên tinh thần giáo dục nhiều hơn thay vì răn đe. Chính vì vậy, việc bổ sung điều khoản quan tâm đến hoàn cảnh cuộc sống của người phạm tội trong quá trình điều tra, xét xử nhằm đảm bảo quyền lợi và thể hiện tính nhân văn của pháp luật là cần thiết. Cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định về cách xưng hô và trang phục của Thẩm phán tại phiên tòa xét xử đối với người chưa thành niên nhằm mang tính gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và khả năng nhận thức của người chưa thành niên. Đồng thời, các thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo luật cũng cần được hoàn thiện để tránh trường hợp hiểu sai, hiểu không chuẩn xác nội dung của các quy định trong dự thảo luật…