Cần Thơ: Vì sao nhiều người đi vòng 3km khi qua cầu Trần Hoàng Na để vào bến xe?

Một số người dân phản ánh, phải đi vòng 3km khi đi từ quận Ninh Kiều, sang cầu Trần Hoàng Na để đến Bến xe trung tâm Cần Thơ (quận Cái Răng) do bến nằm bên kia đường và có dải phân cách.

Có cầu nhưng nhiều người vẫn phải đi vòng

Anh Trần Ngọc Giao, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho biết, từ đường Trần Hoàng Na, qua cầu rồi đi thẳng vài chục mét sẽ gặp vòng xoay. Theo vòng xoay rẽ về phía tay trái, theo đường dẫn cầu Cần Thơ thì chỉ thấy Bến xe trung tâm Cần Thơ… bên kia đường.

Theo hướng trở về quận Ninh Kiều, các phương tiện có thể rẽ vào đường dân sinh phía bên phải ảnh (cạnh dốc cầu Trần Hoàng Na) - sau chiếc ô tô đen, để vào lối đi tắt đến cổng sau bến xe.

Theo hướng trở về quận Ninh Kiều, các phương tiện có thể rẽ vào đường dân sinh phía bên phải ảnh (cạnh dốc cầu Trần Hoàng Na) - sau chiếc ô tô đen, để vào lối đi tắt đến cổng sau bến xe.

"Do có dải phân cách liền mạch, nên các phương tiện giao thông không thể rẽ sang, phải đi theo đường dẫn cầu Cần Thơ về nút giao IC3, hòa với dòng xe từ cầu Hưng Lợi đổ xuống, sau đó mới vòng ngược lại vào bến xe.

Dù bến xe chỉ cách vòng xoay cầu Trần Hoàng Na vài chục mét, nhưng do ngược chiều nên phải đi vòng như vậy. Rất mất thời gian và nhiên liệu", anh Giao nói.

Theo anh, cần có phương án điều tiết giao thông hợp lý hơn. Giả như, có thể phá một đoạn phân cách trên đường dẫn cầu Cần Thơ, bố trí đèn tín hiệu để các phương tiện có thể rẽ thẳng sang bến xe, không phải đi vòng…

Ông Trần Hoàng Đức, ngụ quận Cái Răng nói rằng, trước đây tuyến đường dẫn cầu Cần Thơ có mở dải phân cách ngay khu dân cư Hồng Loan. Tuy nhiên, sau này lối rẽ ấy đã được bít lại để đảm bảo an toàn.

Vòng xoay cầu Trần Hoàng Na phía quận Cái Răng.

Vòng xoay cầu Trần Hoàng Na phía quận Cái Răng.

Cầu Trần Hoàng Na thuộc dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, chính thức đưa vào khai thác sử dụng để phục vụ người dân kể từ sáng 26/4/2024.

Cầu Trần Hoàng Na vượt sông Cần Thơ, nối quận Ninh Kiều và Cái Răng. Cầu nằm giữa cầu Hưng Lợi và cầu Cái Răng, việc hoàn thành là cơ hội để cải thiện kiến trúc các công trình cầu vượt sông, tạo điểm nhấn cho cảnh quan thành phố.

Và nhiều người kỳ vọng, khi cầu hoàn thành sẽ giúp người dân rút ngắn khoảng cách từ Bến xe trung tâm Cần Thơ với quận trung tâm Ninh Kiều và ngược lại.

Nhưng với kiểu phải đi vòng như anh Giao phản ánh, thì từ quận Ninh Kiều sang bến xe, chọn phương án đi bằng cầu Hưng Lợi như trước giờ vẫn tiện hơn.

Có đường tắt, nhưng nhiều người không biết

Theo quan sát của phóng viên sáng 1/6, tại vòng xoay dưới cầu Trần Hoàng Na lưu lượng xe khá đông.

Một số ô tô mà phóng viên đã ghi nhận, đi qua vòng xoay rồi rẽ vào đường dẫn cầu Cần Thơ chạy theo hướng nút giao IC3. Khoảng 10 phút sau, các xe này chạy ngược lại từ hướng nút giao IC3, rẽ vào bến xe…

"Có thể do họ chưa biết đường", ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ cho biết.

Khi xây dựng phương án giao thông sau khi thông xe cầu Trần Hoàng Na, vấn đề phải đi vòng để ghé bến xe nếu từ quận Ninh Kiều sang cũng đã được đặt ra.

Nhiều xe phải đi vòng để ghé bến xe trung tâm Cần Thơ.

Nhiều xe phải đi vòng để ghé bến xe trung tâm Cần Thơ.

Và mới đây, lộ trình giúp các phương tiện từ cầu Trần Hoàng Na rẽ sang bến xe trung tâm Cần Thơ nhanh, không phải đi vòng hoặc đi ngược chiều đã hoàn chỉnh.

Theo ông Khoa, sau khi qua cầu Trần Hoàng Na, các phương tiện đến vòng xoay và quay trở lại cầu Trần Hoàng Na, rẽ vào đường dân sinh cùng chiều, cạnh cầu. Đi một đoạn, rẽ phải và chạy không bao xa sẽ có đường vào cổng sau bến xe trung tâm Cần Thơ.

Tuy nhiên, do lộ trình này chưa nhiều người biết nên những ngày qua phải đi vòng để vào bến xe.

Clip: Để ghé bến xe, nhiều phương tiện sau khi ra vòng xoay, chạy về hướng nút giao IC3, rồi quay ngược lại do bến xe nằm ngược chiều, bên kia đường.

Cầu Trần Hoàng Na là công trình cấp I, công trình có tổng giá trị thực hiện hơn 791 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2020.

Chiều rộng phía bờ Ninh Kiều là 37m, phía Cái Răng là 23m. Bề rộng cầu tại nhịp chính là 23m, nhịp biên là 29,3m, tại sảnh vọng cảnh là 34,6m. Tổng chiều dài bao gồm đường dẫn là 820m.

Độ cao thông thuyền là 7m, tĩnh không hai bên bờ là 4,75m. Cầu có dạng cầu vòm chạy giữa, gồm ba nhịp kết cấu theo 49+150+49m, tổng chiều dài cầu là 586,9m.

Hồ Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-tho-nhieu-nguoi-di-vong-3km-khi-qua-cau-tran-hoang-na-de-vao-ben-xe-192240601073843252.htm