Cần thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để giảm thiểu dạy thêm, học thêm
Các nhà trường phổ thông cần thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để góp phần giảm thiểu dạy thêm, học thêm như hiện nay.
Bàn về dự thảo Thông tư Quy định dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không ít ý kiến nêu quan điểm về sự cần thiết của việc dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài nhà trường.
Bởi vì, đây là nhu cầu có thật của một bộ phận học sinh phục vụ cho việc thi cử, ví dụ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy, thi tốt nghiệp trung học phổ thông lấy kết quả xét tuyển vào đại học.
Tuy vậy, trước khi tổ chức dạy thêm, học thêm trong các nhà trường phổ thông, hiệu trưởng cần nắm vững Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số nội dung chính có thể liệt kê như sau:
Thứ nhất, "tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời".
Có thể nhận thấy, nội dung này đề cao sự tự học (suốt đời) của học sinh chứ không phải là chuyện dạy thêm, học thêm. Như vậy, học sinh tham gia học thêm quá nhiều sẽ mất dần khả năng tự học, dẫn đến thụ động, như thế lợi bất cập hại.
Muốn trò tự học thì trước hết người thầy phải biết cách dạy học sinh tự học (cách thức, phương pháp). Cùng với đó, giáo viên cần nhanh chóng chuyển từ trọng tâm trang bị tri thức sang rèn luyện năng lực vận dụng thực tiễn cho học sinh.
Cụ thể, giáo viên thiết kế tiến trình dạy học thành một chuỗi các bước hoạt động học của học sinh, mỗi giai đoạn học tập gồm các bước: tình huống xuất phát; tìm hiểu, trao đổi, đề xuất cách nghiên cứu, giải quyết; phối hợp tìm hiểu, thực hiện giải quyết vấn đề; giới thiệu, báo cáo kết quả giải quyết vấn đề; đúc kết, tổng hợp kết quả, chuyển tiếp.
Ngoài ra, học trực tuyến cũng là một cách tự học rất hiệu quả. Trong thời đại công nghệ có mặt ở mọi nơi, học sinh có thể tận dụng việc học trực tuyến trên bất kỳ thiết bị nào. Đây là một tài nguyên học tập vô hạn, tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian học tập.
Nếu chịu khó tìm hiểu, học sinh sẽ tìm thấy những khóa học miễn phí từ xa phù hợp với nhu cầu cá nhân, dĩ nhiên việc này cần sự giúp đỡ từ giáo viên, bạn bè, người thân của các em. Qua các lớp học trực tuyến, học sinh cũng có thể tìm kiếm được thêm những người bạn có cùng sở thích và mục đích học tập với mình.
Thứ hai, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết: "Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh".
Và trong đó khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 "là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông".
Như vậy, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ nên dạy miễn phí đối với học sinh yếu (kể cả học sinh giỏi), vì đây là bổn phận, trách nhiệm của các nhà trường phổ thông. Còn học thêm có thu phí thì cần phải dựa vào nhu cầu từng gia đình và việc này chỉ nên thực hiện ở ngoài nhà trường.
Có thể khẳng định, nếu việc dạy thêm, học thêm được tổ chức tràn lan trong nhà trường (kể cả ngoài nhà trường) là đi ngược lại với tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Chương trình tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước.