Cẩn trọng khi chọn tổ hợp môn học lớp 10

Sau khi vượt qua kỳ thi vào lớp 10 đầy căng thẳng, nhiều học sinh và phụ huynh lại tiếp tục đối mặt với một quyết định quan trọng về lựa chọn tổ hợp môn học.

Đây không chỉ là lựa chọn cho ba năm học ở cấp trung học phổ thông, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc xét tuyển đại học và định hướng nghề nghiệp tương lai. Vì vậy, việc này cần được cân nhắc kỹ, tránh chọn theo trào lưu hoặc cảm tính nhất thời.

Phụ huynh học sinh tìm hiểu thông tin về việc chọn tổ hợp môn học lớp 10 năm học 2025-2026 tại Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (phường Ba Đình). Ảnh: Minh Khang

Phụ huynh học sinh tìm hiểu thông tin về việc chọn tổ hợp môn học lớp 10 năm học 2025-2026 tại Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (phường Ba Đình). Ảnh: Minh Khang

Cơ hội và cũng là thách thức

Năm học 2025-2026 là năm thứ 4 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học phổ thông. Thay vì phải học tất cả môn học như các năm trước, học sinh chỉ phải học 8 môn bắt buộc, ngoài ra được lựa chọn một số môn học theo năng lực, sở thích. Với nhiều gia đình, đây là lần đầu tiên cha mẹ cùng con tiếp cận chương trình mới nên không tránh khỏi lo lắng.

Theo quy định mới, học sinh lớp 10 sẽ học 8 môn bắt buộc: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương. Ngoài ra, học sinh sẽ chọn thêm 4 môn trong 9 môn học tự chọn, bao gồm: Vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật.

Quy định này tạo cơ hội để học sinh phát triển theo sở trường, giảm áp lực học tập khi không phải “ôm trọn” toàn bộ các môn học. Tuy nhiên, chính sự mở rộng quyền lựa chọn này lại khiến nhiều học sinh và gia đình lúng túng, bởi tổ hợp các môn được chọn sẽ gắn bó với học sinh trong suốt ba năm trung học phổ thông. Quyết định này sẽ chi phối việc xét tuyển đại học cũng như định hướng nghề nghiệp sau này.

Vì vậy, tại nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho thấy, sau khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10, các trường đã chủ động bố trí các bàn tư vấn chuyên sâu về lựa chọn tổ hợp môn.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thăng Long Lê Trung Tín cho biết, nhà trường đã công bố danh sách các tổ hợp môn học, đồng thời tổ chức tư vấn trực tiếp trong những ngày xác nhận nhập học để hỗ trợ kịp thời các băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh, học sinh. Nhờ làm tốt khâu tư vấn ngay từ khi các em chuẩn bị vào lớp 10 nên những năm qua, trường không ghi nhận trường hợp nào muốn chuyển tổ hợp môn học.

Chọn tổ hợp - Đặt nền móng cho hướng nghiệp

Về lý thuyết, học sinh có thể chọn hàng trăm tổ hợp khác nhau từ 9 môn học tự chọn. Nhưng thực tế, do điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, số lượng tổ hợp ở mỗi trường vẫn ở mức giới hạn, chủ yếu chia thành hai nhóm: Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Năm học 2025-2026, Trường Trung học phổ thông Thăng Long dự kiến có từ 6-8 lớp thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên và 5-6 lớp khoa học xã hội. Theo thầy Lê Trung Tín, việc tư vấn lựa chọn tổ hợp không chỉ căn cứ theo sở thích mà cần dựa trên năng lực học sinh và định hướng ngành nghề tương lai.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức Nguyễn Bội Quỳnh, nhiều học sinh từng có tâm lý “né” các môn khoa học tự nhiên vì cho rằng khó học, chọn tổ hợp khoa học xã hội với mong muốn “ăn điểm dễ”. Tuy nhiên, khi bước vào lớp 11-12, các em mới nhận ra những môn học này không phục vụ cho ngành mình định theo học ở bậc đại học.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đoàn Kết - Hai Bà Trưng Lê Việt Dương cũng chia sẻ: Việc tư vấn không đơn thuần là gợi ý học môn nào mà còn giúp học sinh xác định rõ năng lực, sở trường và dự định nghề nghiệp lâu dài. Thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng học sinh chọn tổ hợp theo bạn, theo cảm tính hoặc ý kiến áp đặt từ phụ huynh, dẫn đến việc học lệch hoặc muốn đổi tổ hợp giữa chừng.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chuyển đổi môn học chỉ được xem xét vào cuối năm học lớp 10 và học sinh phải học bù kiến thức. Vì vậy, “nguyên tắc vàng” được các chuyên gia khuyến cáo là: Tuyệt đối không chọn môn học “dễ để lấy điểm” nếu không phục vụ cho ngành học mong muốn; cũng không chọn theo xu hướng bạn bè vì định hướng nghề nghiệp là quá trình cá nhân hóa.

Theo các chuyên gia, việc chọn tổ hợp môn học là quyết định "chiến lược", ảnh hưởng tới cả kỳ thi trung học phổ thông và xét tuyển đại học. Học sinh nên xác định rõ sở trường, tìm hiểu kỹ về ngành nghề, tra cứu đề án tuyển sinh trước khi đưa ra lựa chọn.

Cùng quan điểm, em Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy chia sẻ: “Em từng chọn tổ hợp theo bạn bè, nhưng sau đó thấy không phù hợp, phải học thêm để đổi hướng. Mong các bạn năm nay vào lớp 10 hãy tỉnh táo, đừng chọn theo cảm tính”.

Việc theo dõi sớm thông tin tuyển sinh đại học cũng rất quan trọng. Xác định tổ hợp phù hợp từ lớp 10 sẽ giúp học sinh chủ động ôn tập, tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích khi bước tới ngưỡng cửa đại học.

Em Bùi Nguyễn Phương Chi, học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều nêu ý kiến: "Em mong các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh từ năm 2026 để chúng em có thể định hướng tốt hơn ngay từ lớp 10. Nếu được định hướng sớm, học sinh sẽ chủ động và học tập hiệu quả hơn".

Rõ ràng, việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 không đơn giản là lựa chọn môn học yêu thích, mà là nền móng cho định hướng học tập, thi cử và nghề nghiệp lâu dài. Đầu tư thời gian để hiểu năng lực bản thân, xem xét kỹ yêu cầu xét tuyển ngành học trong tương lai và tham khảo ý kiến chuyên gia là những bước không thể bỏ qua.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-trong-khi-chon-to-hop-mon-hoc-lop-10-709308.html