Cẩn trọng khi tự mua thuốc điều trị cúm
Lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch cúm, thời gian gần đây, nhiều người dân đã tự mua thuốc, nhất là Tamiflu để dự phòng hoặc tự điều trị tại nhà khi có triệu chứng bệnh. Các bác sĩ cảnh báo tự ý điều trị cúm không chỉ gây lãng phí mà còn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Nhân viên Nhà thuốc Tâm (thành phố Lạng Sơn) tư vấn cho khách hàng chỉ sử dụng thuốc điều trị cúm Tamiflu theo chỉ định của bác sĩ
Trước tình trạng gia tăng số bệnh nhân bị cúm mùa, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần tăng cường biện pháp phòng bệnh (chế độ dinh dưỡng, luyện tập nâng cao sức đề kháng, đeo khẩu trang nơi đông người, tiêm vắc-xin phòng cúm) và không tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng vi-rút.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ ngày 1/1 đến 17/2/2025, bệnh viện tiếp nhận 220 bệnh nhân cúm A, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trước tình trạng gia tăng số ca nhập viện do mắc cúm, nhiều người đã hoang mang, tự đi mua thuốc dự trữ, điều trị cúm.
Chị Nguyễn Thu Nga (thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) chia sẻ: Ngày 13/2, tôi có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi. Nghe theo lời khuyên của nhiều người, tôi ra quầy thuốc gần nhà tìm mua Tamiflu thì thấy bảo hết thuốc. Sau đi một nhà thuốc khác thì có nhưng giá 68 nghìn đồng/viên. Mua túi thuốc hết hơn 700 nghìn đồng. Dù rất xót tiền nhưng tôi vẫn mua về uống mong sẽ khỏi nhanh.
Theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.
Cũng “nghe theo số đông”, chị Nông Mai Anh (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) cũng đi tìm mua thuốc Tamiflu để tự điều trị cúm. Chị Mai Anh bức xúc: Hôm trước tôi mua 68 nghìn đồng/viên cho con gái uống, 2 hôm sau đến lượt chồng tôi mắc cúm, tôi đi mua thì đã lên giá 80 nghìn đồng/viên. Cùng thời điểm đó thì em gái tôi đi mua ở một quầy thuốc khác với giá 60 nghìn đồng/viên. Thực sự tôi không hiểu tại sao cùng một loại thuốc, cùng một thời điểm mà giá lại chênh nhau nhiều như thế.
Biết đắt nhưng vẫn mua vì sợ thuốc hiếm, hết thuốc là tâm lý chung của nhiều người. Điều này đã tạo nên "cơn sốt ảo". Khảo sát tại một số hiệu thuốc trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và một số trang mạng xã hội, thuốc Tamiflu được bán với nhiều mức giá khác nhau dao động từ 50 đến 80 nghìn đồng/viên. Mặc dù thuốc Tamiflu được khuyến cáo chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ nhưng các hiệu thuốc vẫn bán khi có khách hỏi mua mà không cần đơn thuốc.
Bác sĩ Hoàng Duy Thiện, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y dược, Sở Y tế thông tin: Thuốc Tamiflu giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng, tuy nhiên cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Tự ý dùng thuốc sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, suy thận, suy gan và phổ biến là hiện tượng kháng thuốc. Chính vì thế, người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ, thay vào đó nên chủ động tiêm vắc - xin phòng bệnh cúm.
Thuốc không hiếm như “lời đồn”
Trước tình trạng đó, để bảo đảm việc cung ứng và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, nhất là đối với các thuốc điều trị cúm A, ngày 11/2/2025, Sở Y tế đã ban hành văn bản số 362 về việc đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm. Cụ thể, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng vi-rút, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, thuốc điều trị cúm, trong đó có Tamiflu vẫn có sẵn ở các bệnh viện, chưa có hiện tượng khan hiếm hay khó tiếp cận thuốc này. Người dân không nên hoang mang đổ xô đi mua thuốc với giá đắt vừa lãng phí vừa ảnh hưởng đến sức khỏe. Bác sĩ Kim Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hữu Lũng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, hằng năm, trung tâm luôn chủ động rà soát, lập kế hoạch dự trữ, đảm bảo cung ứng kịp thời các loại thuốc phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, trong đó có thuốc điều trị cúm. Đến nay, trung tâm và 23/23 trạm y tế vẫn sẵn nguồn cung cho bệnh nhân theo quy định. Mỗi ngày chúng tôi có hơn 10 bệnh nhân nhập viện do mắc cúm nhưng phần lớn chỉ điều trị triệu chứng, biến chứng, không nhất thiết phải dùng Tamiflu vì có rất nhiều tác dụng phụ.
Thời gian tới, Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng vi-rút dùng trong điều trị cúm mùa, các thuốc điều trị cúm A, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý giá thuốc (thực hiện kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết...); các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/canh-bao-nguy-co-khi-tu-y-mua-thuoc-dieu-tri-cum-5038149.html