Cẩn trọng trong dịch thuật văn học

Những ngày qua, phản ứng mạnh mẽ của nhiều bạn đọc trước sự xuất hiện của các từ được xem là 'tục chưa từng có' trong bản dịch tiếng Việt của một cuốn truyện viết về đề tài chiến tranh của Mỹ đã làm dậy sóng giới dịch thuật Việt Nam, đồng thời đặt ra vấn đề thiết yếu làm thế nào để xử lý những từ tục khi chuyển ngữ những tác phẩm văn học nước ngoài.

Trước hết, cần khẳng định, trong lịch sử phát triển văn học - nghệ thuật nước nhà, đã từng xuất hiện những tác phẩm văn học có sử dụng từ tục nhưng vẫn được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật và tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Ðiều này chứng tỏ, văn chương Việt Nam vốn dĩ không chối từ sự xuất hiện của những từ tục, miễn là những từ đó được sử dụng đúng nơi, đúng lúc, đúng văn cảnh và có tác dụng tăng cường sức phản ánh cũng như giá trị chuyển tải nội dung tác phẩm. Từ tục sẽ phát huy giá trị thật sự nếu tất cả độc giả đều phải thừa nhận sự xuất hiện của nó trong văn bản nghệ thuật là cần thiết và không thể thay thế bất kỳ từ ngữ nào khác. Vì thế, khi chuyển tải những tác phẩm văn học nước ngoài có từ tục sang tiếng Việt, người làm công tác dịch thuật vừa cần tìm tòi, lựa chọn những từ có ý nghĩa thật sát với cảnh huống, tinh thần bản gốc, vừa cần tính đến độ tương xứng của nó với tâm lý tiếp nhận của đông đảo bạn đọc. Nếu thế cân bằng này không được bảo đảm thì coi như từ tục trong bản dịch tiếng Việt

chưa phải là "đắt", và khi đó người dịch thuật cũng mới chỉ thực hiện được một nửa vai trò. Chúng ta vẫn hay nói "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" để nói về sự phong phú, đa dạng nhưng không kém phần phức tạp của ngôn ngữ Việt. Chính điều này đã trở thành thách thức của những người làm công tác chuyển ngữ, nhất là khi chuyển dịch từ tục. Bởi chỉ cần thiếu tinh tế một chút, lựa chọn lệch từ một chút, lằn ranh giữa giá trị nghệ thuật và sự phản cảm sẽ bị xâm phạm. Từ tục bị dịch lệch sẽ gây khó chịu cho người đọc và hạ thấp giá trị bản gốc. Thế mới nói, chỉ đọc bản dịch cũng đã đủ hiểu chiều sâu văn hóa, tầm hiểu biết cũng như khả năng sử dụng ngôn từ của người dịch thuật.

Nếu như tác phẩm văn học gốc được coi là đứa con tinh thần đầu lòng của tác giả thì thông qua bản dịch, nó lại tiếp tục được dịch giả thai nghén để sinh ra thêm một lần nữa. Chính vì thế, một tác phẩm văn học nước ngoài đi vào lòng công chúng quốc tế như thế nào phụ thuộc khá lớn vào sự tinh tế của người dịch thuật, nhất là ở những tác phẩm tạo được tiếng vang trên thế giới và có sử dụng nhiều từ nhạy cảm. Hơn ai hết, người dịch thuật phải là những người vừa có hiểu biết sâu rộng về văn hóa nước bạn, vừa thấm nhuần cốt cách văn hóa dân tộc, điêu luyện trong sử dụng ngôn từ và là người có đủ sự tinh tế, nhạy cảm để lựa chọn những từ "đắt" nhất.

Quay lại chuyện tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam của tác giả người Mỹ, đến nay, dư luận vẫn có hai luồng tranh luận trái chiều xoay quanh cách chuyển ngữ từ tục trong bản dịch tiếng Việt. Một bên đồng tình với cách dịch có phần táo bạo đến trần trụi của dịch giả, cho rằng nó hợp với văn cảnh tác phẩm; một bên lại "phản pháo" cách dịch này còn chưa sát với bản gốc, không phù hợp thuần phong mỹ tục của người Việt và làm giảm vẻ đẹp của ngôn ngữ văn chương. Cuộc tranh luận này khó đi đến hồi kết, song có thể khẳng định: Một khi từ được chuyển ngữ còn gây nhiều băn khoăn cho người đọc thì chứng tỏ từ đó vẫn chưa phải là sự lựa chọn chuẩn xác. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về dịch giả mà còn thuộc về đội ngũ biên tập, nhà xuất bản, bởi một bản dịch văn học ra đời là kết quả lao động của cả một tập thể. Chỉ cần một khâu lơi lỏng, thiếu cẩn trọng đã có thể biến tác phẩm thành "thảm họa dịch thuật". Bài học về việc chuyển ngữ từ tục nói riêng dành cho dịch giả đã được thiết lập, và hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm, tinh thần lao động đối với dịch thuật của ngành xuất bản nước ta đã được gióng lên. Ðừng để bạn đọc Việt Nam phải cảnh giác với sách dịch!

HỒNG TRANG

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dong-chay/item/20215902-.html