Cây dừa sáp cho 'trái ngọt' trên vùng đất trũng phèn

Cây dừa dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất. Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã trồng các giống dừa mới như: dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ, dừa dứa… trong đó cây dừa sáp cũng đã được trồng rất thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Anh Dương Thanh Tòng, ấp Xẻo Gừa, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú gặt hái thành công khi mang dừa sáp trồng trên đất nhà. Đưa chúng tôi ra xem vườn dừa sáp đang độ cho trái, anh Thanh Tòng bộc bạch: “Khu vườn dừa sáp có tổng diện tích 1ha. Phần đất này trước đây trồng lúa, trồng các loại cây ăn trái, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, tôi có người quen thực hiện đề tài trồng cây dừa sáp cấy mô thành công ở nhiều địa phương khác nhau nên tôi mua giống về trồng cho toàn bộ khu vườn 1ha. Cây dừa sáp cấy mô có thời gian sinh trưởng và chế độ chăm sóc cũng như những giống dừa khác. Sau 3 năm trồng, dừa bắt đầu cho trái, đến năm thứ 4 cho trái ổn định hơn. 1 quầy dừa (buồng dừa) chỉ để từ 4 - 8 trái, nhằm cho trái đạt kích cỡ khi xuất bán ra thị trường. Với số lượng trái như trên thì tỷ lệ trái sáp đạt từ 70 - 80%/quầy dừa”.

Anh Dương Thanh Tòng (bên trái), xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) giới thiệu vườn dừa sáp 1ha đem về thu nhập hơn 380 triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Anh Dương Thanh Tòng (bên trái), xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) giới thiệu vườn dừa sáp 1ha đem về thu nhập hơn 380 triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Tính đến thời điểm hiện tại, vườn dừa sáp của anh Tòng đã thu hoạch bước sang năm thứ 3, dừa cho trái quanh năm và đã đạt sản lượng ổn định. Dừa sáp được thương lái thu mua tại vườn có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/trái (tùy size). Ngoài bán cho thương lái tại vườn, anh Tòng còn cung ứng dừa sáp cho nhiều trạm dừng chân trên các tuyến quốc lộ trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, trái dừa sáp của anh cũng đã cung cấp cho Siêu thị Coop.Mart Sóc Trăng bán hơn 1 năm qua. Bên cạnh bán trái dừa sáp tươi, anh Tòng còn sản xuất giống cây dừa sáp bán ra thị trường với giá 100.000 đồng/cây. Sau khi đã trừ hết các khoản chi phí, bình quân mỗi năm anh thu nhập trên 380 triệu đồng từ vườn dừa sáp.

Giống như nhiều loại dừa khác, cây dừa sáp có tuổi thọ từ 40 - 50 năm. Để cây phát triển tốt và cho trái đạt độ sáp tốt, anh Tòng tưới nước 2 lần/tuần trong mùa nắng nóng; mùa mưa không cần tưới nước mà cần phải làm các rãnh thoát nước trên bề mặt liếp trong vườn dừa, tránh nước đọng lại trên mặt liếp ảnh hưởng đến thân và rễ dừa. Dừa chỉ cần bón phân 2 lần/năm, ngoài các loại phân chuyên dụng còn bón thêm các loại phân hữu cơ, để làm mát cây và góp phần cho đất quanh trong vườn dừa luôn tơi xốp. Sản phẩm trái dừa sáp của hộ anh Thanh Tòng đang chuẩn bị tham gia Hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm 3 sao OCOP của huyện Mỹ Tú năm 2024.

“Toàn tỉnh Sóc Trăng có diện tích trồng dừa là 8.748ha. Dừa được trồng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh với nhiều loại giống khác nhau. Đầu ra trái dừa khá ổn định, tuy nhiên giá bán có lúc tăng, lúc giảm, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường. Riêng về cây dừa sáp trên địa bàn tỉnh diện tích không đáng kể, có hộ chỉ trồng vài ba cây thử nghiệm. Tuy nhiên, với diện tích trồng dừa lên đến 1ha tại hộ anh Dương Thanh Tòng, đặc biệt là dừa đạt tỷ lệ cho sáp cao, cho thấy hộ trồng dừa sáp đã rất thành công. Dừa dễ trồng nhưng để cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, hộ dân cần lựa chọn giống dừa có nguồn gốc rõ ràng, tìm hiểu kỹ thổ nhưỡng vùng đất, điều kiện tự nhiên trước khi phát triển trồng dừa. Trong quá trình cây sinh trưởng, phải quan tâm và chú ý đến các loại sâu hại tấn công trên dừa như: bọ xít nâu, bọ dừa, bọ vòi voi, kiến vương, đuông dừa, sâu đục trái, sâu đầu đen để phòng trị kịp thời…”, đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng thông tin.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/cay-dua-sap-cho-trai-ngot-tren-vung-dat-trung-phen-74684.html