Bảo tồn văn hóa cồng chiêng Châu Ro

'Không chỉ có trang phục riêng dệt từ bông vải địa phương, đồng bào còn có tiếng nói riêng, văn hóa mang tính chất tộc người', Phương Thái - một phụ nữ tuổi bốn mươi, mặt sáng như ngọc, là Thôn trưởng thôn 7, thuần đồng bào dân tộc Châu Ro, xã Đức Tín, huyện Đức Linh, nói.

Thôn 7, xã Đức Tín hiện có 315 hộ dân, 1.553 khẩu. Đồng bào ở đây có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi gia súc có sừng, trồng cây công nghiệp ngắn, dài ngày. Thu nhập người dân tăng khá trong hơn mười năm trở lại đây, nhất là vào thời điểm cao su được giá nên nhà cửa, đường ngang ngõ tắt trong thôn khang trang, sạch sẽ. Nhiều ngôi nhà cho ấn tượng nhà phố có tường bao quanh, cổng vào, hoa leo trước cổng. Trước mỗi nhà ở thôn 7 đều có sân rộng, cây xanh. Phương Thái nói mỗi chiếc sân rộng chúng tôi trông thấy là nơi phơi nông sản, đồng thời là không gian văn hóa của từng gia đình. Đó là nơi đồng bào tụ hội, nhảy múa mỗi khi biểu diễn cồng chiêng, đặc biệt là lễ hội cúng thần lúa (Yangri), lễ hội cúng thần rừng (Yangva). Nhiều người lớn tuổi ở thôn 7 từng trải qua khoảng thời gian học đánh cồng chiêng, học cách điệu múa nguyên thủy của đồng bào trên sân nhà với các bạn đồng lứa tuổi.

Câu chuyện cồng chiêng đi xa hơn khi Phương Thái cho biết: Đội cồng chiêng thôn 7 thường đại diện xã Đức Tín đi thi lễ hội cồng chiêng trên huyện, tính từ lúc thành lập xã Đức Tín đến nay là 20 năm. Với người Châu Ro, cồng chiêng là một trong những hồn cốt văn hóa tộc người. Cồng chiêng giữ vai trò chủ đạo trong số các loại nhạc cụ của đồng bào. Cách thức trình tấu, biểu diễn, không hòa lẫn với trình tấu cồng chiêng các dân tộc Ê Đê, Rắc Lây, K’ho... Sau một mùa sản xuất vất vả, lúc thu hoạch mùa màng là lúc tiếng cồng chiêng vang lên, vang xa, báo cáo với thần linh tấm lòng của người Châu Ro. Tiếng cồng chiêng còn vang lên trong lễ hội múa cầu mùa, múa sàng gạo, múa giã gạo... Nói khác đi, tiếng cồng chiêng là máu thịt của đồng bào. Người trong thôn cứ nghe hai tiếng “binh bong” khoan thai, hoặc dồn dập là đôi chân muốn ra khỏi nhà, đến nơi đang diễn ra lễ hội. Về đặc điểm của cồng chiêng thì gồm 7 chiếc với 5 người hòa tấu (biểu diễn). Trong đó có người đánh chiêng mẹ, người đánh chiêng con… và tất cả đều hướng theo dẫn dắt của chiêng mẹ. Đến nay, văn hóa cồng chiêng thôn 7 vẫn được bảo tồn, không lai tạp, khuất lấp trước các loại hình văn hóa khác mang tính hiện đại. Rõ nhất, tại “Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số xã Nông thôn mới Đức Linh” tháng 11/2023, đội cồng chiêng thôn 7 được xếp giải nhì. Trong khi trò chuyện, Phương Thái không quên giới thiệu già làng Lưu Văn Lo, nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng có hồn, ít người trong thôn bì kịp. Ông Lo cho hay: Trong thôn, có 3 gia đình có đủ bộ chiêng. Nhưng bộ tốt nhất thuộc gia đình ông Mang Pho và Mang Thị Son. Cả hai vợ chồng đều là nghệ nhân biểu diễn.

Nhân nói tới bộ chiêng của gia đình, bà Mang Thị Son cho hay: “Bộ chiêng là của ông bà để lại. Không biết chính xác nhưng khoảng hơn 70 năm”. Mẹ bà Son đánh chiêng giỏi, truyền kỹ thuật lại cho con. Chồng bà Son, ông Mang Pho rất giỏi trong việc điều chỉnh tay nắm để tiếng chiêng mẹ vang xa mà còn như sóng cồn. Vì bộ chiêng của gia đình bà Son là của hiếm, đúc từ đồng nguyên chất, nhiều người buôn đồ cổ hỏi mua, nhưng bà từ chối. Bộ cồng chiêng được gia đình cất giữ cẩn thận, khách lạ gần như không được xem.

Trong lúc chúng tôi tò mò, gõ vào chiêng con, chiêng mẹ… lắng nghe âm thanh phát ra, Phương Thái trao đổi với chủ nhà, bắt tay làm loa, gọi chị Quách Thị Dâm, vợ già làng, nhà ở gần đó, sang cùng biểu diễn. Không gian trình tấu là hiên nhà chị Son. Ông Mang Pho đánh chiêng mẹ, chị Son - chiên con, Phương Thái chiên con… Mỗi người trong tay một khúc gỗ gòn nhỏ… để đánh chiêng, lập tức âm thanh của núi rừng, của lời mời gọi thần núi, thần sông, thần rừng… vang lên. Cả một góc thôn rộn ràng tiếng cồng chiêng lúc giữa trưa, và bọn trẻ trong thôn lập tức kéo tới.

Là người ngoại đạo không am hiểu về nghệ thuật trình tấu cồng chiêng Châu Ro, tôi bỗng chốc lạc vào thế giới âm thanh có tiếng chuông ngân, tiếng thác reo dồn dập, có cả tiếng voi đi, tiếng người xa xưa nói về.

Phương Thái cho hay: Thời gian trước cô có làm việc với Bảo tàng tỉnh về bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Hy vọng rằng đồng bào Châu Ro được ngành văn hóa tỉnh tạo điều kiện để phát huy, giữ gìn văn hóa cồng chiêng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-ton-van-hoa-cong-chieng-chau-ro-120380.html