Cẩn trọng trong việc chích lể cho trẻ sơ sinh
Chích lể là một trong những phương pháp chữa bệnh dân gian được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì dễ lây nhiễm các bệnh qua đường máu, được các bác sĩ cảnh báo không nên áp dụng, nhất là đối với trẻ em.
Thời điểm sinh con thứ hai, suốt 3 tháng đầu chị Nguyễn Thị Hải (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) không có đêm nào tròn giấc vì con chị cứ nằm được một lúc lại khóc và vặn vẹo người liên tục. Thể trạng vốn không tốt, lại vừa mới sinh con nên khoảng thời gian đó, chị rất căng thẳng. Tuy nhiên, sống chung với gia đình chồng, mẹ chồng thấy cháu khóc suốt ngày đêm nên sốt ruột, tự bắt bệnh và nhờ người đến chích lể. Lúc đầu, chị Hải không phản đối bởi lẽ xưa nay ở quê chị mọi người vẫn thường làm như vậy mỗi khi trẻ quấy khóc. Nhưng sau nhiều lần chích lể, con chị khóc ngất, tím tái hết cả mặt mày nên chị Hải xót xa, không tiếp tục lấy đẹn cho con theo kiểu đó. Mãi đến khi đưa con đi khám, chị mới được các bác sĩ tư vấn rằng con chị không mắc bệnh gì. Việc cháu bé thường xuyên quấy khóc cũng không phải vì bị bệnh mà có thể thiếu hụt vitamin D do sinh vào mùa đông. Ngoài ra, do thể trạng của mẹ yếu nên không đủ sữa cho con cũng là một trong những nguyên nhân khiến con chị hay khóc.
Không chỉ mẹ chồng chị Hải mà ở vùng nông thôn vẫn còn nhiều gia đình dùng phương pháp chích lể để chữa bệnh cho con, đặc biệt là trẻ sơ sinh khi thấy chướng bụng, khó ngủ, quậy khóc. Nhiều người cho rằng, lứa tuổi này trẻ hay quấy khóc do bị sài, đẹn cần phải chích lể nặn máu độc ra ngoài. Chị Nguyễn Thị Phượng, ở TP. Đông Hà cho biết: Tôi sinh ba đứa con, đứa nào trong mấy tháng đầu cũng khóc đêm, vặn người liên tục, lăn qua lăn về ngủ không ngon giấc. Mỗi lần như vậy, tôi đều đưa con đến bà lang ở Phường 5 để chích lể. Khi chích lể, rất nhiều máu đen ở sau lưng con tôi được nặn ra ngoài. Bà lang nói đây là máu độc nên chỉ cần nặn ra hết là các con tôi sẽ ngoan, không quấy khóc.
Tuy nhiên, tin vào lời truyền miệng dân gian không phải lúc nào cũng đúng, nhất là những vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ sau khi sinh. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp cha mẹ phải ân hận vì lỡ tin vào phương pháp “dân gian này”. Ở Quảng Trị tuy chưa ghi nhận trường hợp biến chứng ở trẻ do chích lể nhưng ở một số tỉnh thành khác, nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu vì ba mẹ áp dụng phương pháp này để “điều trị” chứng khó chịu, hay quấy khóc ở trẻ. Bệnh viện nhi các tuyến đã từng tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm, nhiễm trùng, thậm chí bị rơi vào tình trạng xuất huyết não, phải truyền bù máu, điều trị chống nhiễm trùng vết cắt lể và theo dõi tình trạng xuất huyết não. Theo các bác sĩ, chích lể cho trẻ là điều không nên vì rất dễ bị mất máu hoặc nhiễm trùng máu. Hầu hết dụng cụ cắt hoặc chích lể cho trẻ chưa được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng. Chính điều này đã vô tình mang vi trùng từ bên ngoài vào đường máu của bệnh nhân. Do đó, chuyện viêm nhiễm đường máu là rất dễ gặp, nếu không phát hiện kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Nhàn, Trường Cao đẳng y tế Quảng Trị cho biết: Việc chích đẹn chữa bệnh cho trẻ tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa mà các phụ huynh không lường trước được. Mũi kim dùng để chích không được khử trùng, vệ sinh kỹ càng và không được vô khuẩn khiến trẻ rất dễ bị nhiễm trùng, nguy hiểm hơn có thể gây ra rối loạn đông máu, ảnh hưởng đến tính mạng. Đây là một phương pháp dân gian, chưa được chứng minh khoa học. Tại Việt Nam, nếu phương pháp nào chưa được Bộ Y tế cấp phép và phê duyệt thì không nên sử dụng trong điều trị.
Mọi phương pháp chữa bệnh đều phải được chứng minh bằng cơ sở khoa học. Các bậc cha mẹ nên cân nhắc trước việc áp dụng các kinh nghiệm dân gian theo kiểu chữa mẹo hay truyền miệng như chích lể để tránh nguy hiểm cho con cái. Khi phát hiện con có biểu hiện bất thường về sức khỏe, cách tốt nhất là nên đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị.