Cẩn trọng với chiêu trò đẩy giá, tạo sóng bất động sản

Liên tiếp trong tháng 8 tại Hà Nội diễn ra 2 phiên đấu giá đất ngoại thành với mức trúng đấu giá đất cao đột biến trên 100 triệu đồng/m2. Nhiều người lo ngại liệu có xảy ra tình trạng bỏ cọc, tạo sóng, đẩy giá đất hay không?

Ngày 10/8, huyện Thanh Oai, Hà Nội tổ chức đấu giá 68 thửa đất tại xã Thanh Cao, lô trúng đấu giá cao nhất có giá hơn 100 triệu đồng/m2, cao gấp 2,3 đến 3,7 lần mức giá trung bình.

Ngày 19/8, huyện Hoài Đức, Hà Nội mở đấu giá 19 thửa đất tại xã Tiền Yên, lô trúng đấu giá cao nhất có giá 133,3 triệu đồng/m2 mức trúng đấu giá cao hơn từ 2-3 lần mức giá phổ biến trong 2 năm qua, tiếp tục thiết lập 1 kỷ lục mới cho đất đấu giá vùng ven ngoại thành.

Việc liên tiết các huyện vùng ven Hà Nội đấu giá đất với mức trúng giá cao ngất ngưởng gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều người lo ngại việc giá đất được đẩy lên cao có thể là chiêu trò thổi giá, tạo sóng. Một số chuyên gia lo ngại từ nay tới hạn cuối nộp toàn bộ tiền cho thửa đất trúng đấu giá, nhà đầu tư ôm hàng có thể sẽ tìm cách đẩy hàng, có thể chuyển ngang, không lãi, thậm chí nếu không chuyển được sẵn sàng mất tiền cọc.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia bất động sản, nhà đầu tư và người mua, bán bất động sản cần dành thêm thời gian quan sát diễn biến thị trường. Hiện tại, giá bán bất động sản có thể tăng do nguồn cung khan hiếm, nhưng cũng không loại trừ có tình trạng "thổi giá", "làm giá"…

Ông Bùi Ngọc Sơn - Nguyên Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới nhận định: "Hiện tượng trả giá cao - thổi giá nhằm đẩy giá những lô đất khác để hưởng chênh lệch... rồi bỏ cọc những lô trúng giá cao chót vót không còn xa lạ. Hiện tượng này đã từng gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản. Các chuyên gia cũng nhận định: chính các nhà đầu tư cũng không nên tự tham gia tạo sóng rồi chịu rủi ro gẫy sóng."

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khuyến cáo: "Các nhà đầu tư hết sức cẩn trọng khi tham gia các cuộc đấu thầu đấu giá, xđ giá thị trường và tính toán phải hết sức cẩn trọng để tránh tham gia vào việc đẩy giá BĐS lên quá mạnh. Khi đó đương nhiên tạo hệ lụy k tốt cho việc đầu tư theo cách lành mạnh, bền vững."

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản mới được thông qua vào tháng 6 vừa qua, người bỏ cọc đấu giá thì sẽ bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm. Tuy nhiên, luật này phải chờ tới đầu năm 2025 mới có hiệu lực thi hành.

Hồng Thủy

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/can-trong-voi-chieu-tro-day-gia-tao-song-bat-dong-san-172240821105129973.htm