Cẩn trọng với điện mặt trời mái nhà
Đầu tư điện mặt trời mái nhà đã tăng tốc chóng mặt nhưng một trong những rủi ro là sau ngày 31-12, cơ chế giá khuyến khích cho loại hình này sẽ hết hiệu lực
Trước nhiều vướng mắc phát sinh liên quan đến điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo báo cáo về việc hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà gửi đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), UBND các tỉnh, thành. Báo cáo này căn cứ trên đề xuất của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo về nguyên tắc dành cho điện mặt trời. Cụ thể, Quyết định 13/2020 quy định rất rõ chỉ hệ thống lắp trên mái nhà của công trình xây dựng và không quá 1 MW, đấu nối vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 KV trở xuống mới được coi là điện mặt trời mái nhà.
Chi phí giảm, dự án tăng chóng mặt
Bốn năm trước, ông Vũ Hải (tỉnh Bình Thuận) mạnh dạn đầu tư một hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với tổng chi phí 140 triệu đồng, mỗi ngày cung cấp 2 KWh phục vụ sinh hoạt gia đình. Với hệ thống này, thời điểm đó, gia đình ông tiết kiệm mỗi tháng khoảng 60% tiền điện, phần còn lại mua từ lưới điện quốc gia. "Khi đó, điện mặt trời mái nhà chưa được nhiều người quan tâm, cơ chế bán - mua hoặc chuyển đổi cũng chưa linh hoạt nên tôi không dám đầu tư lớn hơn vì sợ lãng phí. Đến nay, với cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện phát triển điện mặt trời mái nhà, việc đầu tư của các gia đình sẽ thuận lợi, nhanh thu hồi vốn hơn" - ông Hải cho biết.
Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn, đầu tư vào điện mặt trời áp mái đã tăng tốc đáng kể. Thống kê của EVN cho thấy tính tới ngày 31-7, cả nước có 42.694 hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 917 MWp. Tổng sản lượng điện mà các hệ thống này đã phát lên lưới là hơn 300 triệu KWh. Đây là con số tăng đáng kể so với công suất 377,9 MWp được ghi nhận vào cuối năm 2019. Nguyên nhân bởi Quyết định 13/2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam mới ban hành gần đây đã đưa ra chính sách giá 8,38 cent/KWh, cao hơn mức 7,09 cent/KWh đối với điện mặt trời nối lưới. Như vậy, mục tiêu phát triển nhanh công suất điện mặt trời trong thời gian ngắn, tiết kiệm tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ của Quyết định 13/2020 đã phần nào đạt được.
Từ thực tế này, cũng phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến quy chuẩn cho loại điện này cũng như việc lợi dụng chính sách để hưởng giá điện cao. Nhiều công trình điện mái nhà không phải do hộ gia đình lắp đặt trên mái, có công suất đến 1 MW và được đấu nối vào cấp điện áp dưới 35 KV vẫn được các nhà đầu tư tính toán để đưa vào danh mục hưởng giá điện 8,38 cent/KWh, chẳng hạn như lắp hệ thống giá đỡ tại khu vực đất nông nghiệp, trong các trang trại công nghệ cao… Do có sự đổ bộ lớn vào lĩnh vực này nên EVN đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ vượt khả năng giải tỏa công suất lưới điện ở khu vực miền Trung và miền Nam - nơi có rất nhiều dự án điện mặt trời nhỏ được đầu tư ồ ạt.
Nhiều rủi ro
Một vấn đề khác là trong khi doanh nghiệp kinh doanh tấm pin điện mặt trời ồ ạt ra mắt thị trường thì việc thiếu thông tin chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, bảo hành, chưa hiểu rõ về nguồn và lưới điện… cũng là rủi ro của người lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tổng giám đốc một công ty cung cấp thiết bị điện tái tạo cho hay thực tế, nhiều tấm pin điện mặt trời được bán trên thị trường không đạt tiêu chuẩn về phát điện và tuổi thọ. Suất đầu tư điện mặt trời đang giảm nhờ giá thiết bị giảm nhưng người dân chỉ thực sự hưởng lợi nếu giá thành đi đôi với chất lượng, ngược lại thì "tiền mất tật mang" bởi bỏ tiền ra nhưng chưa bao lâu hệ thống điện mặt trời có thể hỏng hóc. Do vậy, cần sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về tấm pin này.
Ngoài ra, theo ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh của EVN, sau ngày 31-12 sắp tới, mức giá khuyến khích dành cho điện mặt trời mái nhà 8,38 cent/KWh sẽ không còn. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế giá "gối đầu" để tạo điều kiện cho hộ gia đình, nhà đầu tư có kế hoạch rõ ràng và mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà không bị gián đoạn.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ViệtNam), cho rằng định hướng hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà đã được nêu rõ trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu tạo nguồn phân tán để giảm phụ tải tại chỗ, tránh gây áp lực phải xây dựng các tuyến truyền tải mới. Với mức giá cao nhất trong các loại hình đầu tư điện mặt trời, không khó hiểu vì sao điện mặt trời áp mái được phát triển ồ ạt. Tuy nhiên, để tránh nhập nhèm, lẫn lộn, cần xây dựng cơ chế riêng cho điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp. "Cơ quan nhà nước chưa có sự thống nhất về giải thích văn bản hướng dẫn cũng như các quy định liên quan, như khái niệm "công trình xây dựng", "công trình nông nghiệp công nghệ cao" hay yêu cầu về sửa đổi giấy phép xây dựng nên có nhiều trường hợp cố tình hiểu sai để lợi dụng chính sách" - ông Sơn nói và cho rằng vẫn cần tiếp tục duy trì cơ chế giá khuyến khích với những quy định chặt chẽ hơn về quy mô công suất để tránh bị lợi dụng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh với những dự án mới, chỉ thỏa thuận đấu nối với các hệ thống ở những khu vực có khả năng giải tỏa công suất. Với những dự án đã triển khai và không trái với Quyết định 13/2020 thì tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai. Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát các khó khăn, vướng mắc, sớm có văn bản hướng dẫn để EVN và các đơn vị trực thuộc triển khai có hiệu quả.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/can-trong-voi-dien-mat-troi-mai-nha-20200826211032847.htm