Cẩn trọng với 'sốt đất' vùng giáp ranh

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản tại khu vực giáp ranh giữa TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam bất ngờ sôi động trở lại. Nguyên nhân đến từ thông tin sáp nhập hành chính hai địa phương này. Chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào, song làn sóng đầu tư đã nhanh chóng lan tỏa, kéo theo hiện tượng 'sốt' đất cục bộ tại các khu đô thị ven sông Cổ Cò, Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) và phía Nam Đà Nẵng…

Thị trường tăng nhiệt từ tin đồn

Tại khu đô thị số 3 (Điện Nam - Điện Ngọc), nhiều văn phòng môi giới bất động sản hoạt động nhộn nhịp trở lại sau thời gian trầm lắng. Trên tuyến đường Văn Tiến Dũng - Nguyễn Gia Thiều, chỉ trên vài trăm mét, đã có đến hàng chục ki-ốt giao dịch mở cửa, thu hút lượng lớn nhà đầu tư từ các địa phương. Số lượng giao dịch tăng rõ rệt trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Nhiều lô đất được sang tay nhiều lần trong thời gian ngắn, đẩy giá đất tại khu vực lên cao hơn 20% so với cuối năm 2024.

Từ mức giá trung bình 1,7 - 2 tỷ đồng/lô đất nền diện tích 100 - 125m² hồi năm ngoái, nay nhiều lô được rao bán với mức giá từ 2,2 - 2,5 tỷ đồng/lô. Một số môi giới cho biết, giá đất tại khu vực giáp ranh như FPT City (Đà Nẵng) đang ở ngưỡng 33 - 34 triệu đồng/m², khiến nhiều khách hàng chuyển hướng sang khu vực liền kề như Điện Ngọc với mức giá dao động 18 - 22 triệu đồng/m², mức giá này thấp hơn gần một nửa.

Trên mạng xã hội, không ít tài khoản môi giới và đầu tư đăng tải thông tin mua gom đất với số lượng lớn, từ 10 - 20 lô/lần, càng khiến tâm lý thị trường thêm phấn khích. Sự cộng hưởng giữa yếu tố tâm lý và kỳ vọng lợi nhuận đã góp phần đẩy thị trường vùng giáp ranh vào một đợt “nóng” mới song cũng đầy rủi ro.

Chủ một văn phòng môi giới tại phường Điện Ngọc cho biết: “Sau Tết Nguyên đán 2025, lượng giao dịch tăng mạnh. Có những lô đất chỉ trong vòng 10 ngày đã đổi chủ đến 3 lần. Phần lớn người mua đến từ các địa phương khác, trong khi người dân địa phương hầu như không tham gia, do mức giá đã vượt quá khả năng tiếp cận”. Trong bối cảnh đó, hoạt động mua bán đất nền tại khu vực này trở thành “miếng bánh” hấp dẫn cho giới đầu cơ và môi giới lướt sóng. Nhiều lô đất được mua đi bán lại nhiều lần trong thời gian ngắn với mục tiêu chính là đẩy giá, tạo sóng và thu lợi từ chênh lệch - bất chấp thực tế chưa có nhu cầu ở thực sự hoặc pháp lý chưa đảm bảo.

Thị trường bất động sản khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam đang lên “cơn sốt”

Thị trường bất động sản khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam đang lên “cơn sốt”

Cẩn trọng với thị trường “ảo”

Trong khi không khí giao dịch đang sôi động trở lại, các chuyên gia bất động sản và giới nghiên cứu thị trường bắt đầu đưa ra cảnh báo về hiện tượng tăng giá “nóng” thiếu bền vững. Theo ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản Việt Nam, yếu tố kích hoạt làn sóng này phần lớn đến từ tin đồn sáp nhập địa giới hành chính giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Bên cạnh đó, sự tăng giá mạnh của vàng thời gian qua cũng khiến nhiều nhà đầu tư chuyển dịch dòng vốn sang bất động sản như một kênh giữ tài sản an toàn hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, hiện tượng “sốt” đất vùng giáp ranh cần được nhìn nhận một cách thận trọng. Trên thực tế, chưa có bất kỳ văn bản pháp lý nào xác nhận việc sáp nhập hành chính giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Việc đầu tư bất động sản dựa trên thông tin chưa rõ ràng có thể dẫn đến hệ lụy tài chính nghiêm trọng nếu thị trường đảo chiều hoặc bị siết tín dụng.

Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng cho biết, hiện tượng “sốt” đất cục bộ những ngày qua phần nhiều xuất phát từ tâm lý đón đầu, cộng hưởng với các chiêu trò tung tin đồn, tạo thị trường ảo của một số nhóm môi giới hoặc nhà đầu tư lướt sóng nhằm trục lợi. “Thị trường bị thổi phồng giá trị sẽ khiến người mua sau chịu rủi ro cao về mặt tài chính, đặc biệt là khi pháp lý không rõ ràng hoặc dự án chưa đầy đủ cơ sở hạ tầng”, vị luật sư này nhận định.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng đã phát đi cảnh báo, khuyến nghị nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi đưa ra quyết định. Không ít trường hợp người dân “ôm” phải đất trong các dự án treo, hoặc đất chưa đủ điều kiện pháp lý giao dịch, dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang” kéo dài.

Ngoài yếu tố pháp lý, chuyên gia bất động sản cũng nhấn mạnh rằng, nhà đầu tư cần đánh giá năng lực của chủ đầu tư dự án, liệu họ có đủ nguồn lực tài chính để hoàn thiện dự án hay không. Việc mua đất tại những dự án mới chỉ san lấp mặt bằng, chưa có sổ đỏ, hoặc chưa hoàn thành hạ tầng cơ bản là lựa chọn rủi ro cao, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chịu nhiều tác động từ chính sách kiểm soát tín dụng, lãi suất, lạm phát và tâm lý người tiêu dùng.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-trong-voi-sot-dat-vung-giap-ranh-161793.html