Cẩn trọng với tiền sản giật trong thai kỳ

ĐBP - Cách đây 1 tháng, sản phụ T.T.M., 31 tuổi (bản Cấu, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) mang thai lần hai ở tuần thai 32 đã được các bác sĩ Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) phẫu thuật cấp cứu thành công khi bị tiền sản giật nặng, hội chứng HELLP. Sản phụ nhập viện trong tình trạng mệt, huyết áp tăng rất cao 230/180mmHg; xét nghiệm có nhiều chỉ số bị rối loạn, trong đó tiểu cầu giảm nặng, men gan tăng cao, thiểu niệu, thai nhi bị suy dinh dưỡng bào thai. Đây là trường hợp may mắn khi được cấp cứu, xử trí kịp thời, cả sản phụ và em bé đều đã qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thai cho sản phụ.

Bác sĩ Ngô Thị Nhung, Trưởng khoa Sản cho biết: Tiền sản giật là hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân gây ra vào nửa sau thai kỳ (bắt đầu từ tuần thai thứ 20) với những triệu chứng tăng huyết áp, protein niệu và phù. Tiền sản giật hiện nay vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của các bà mẹ mang thai; đối với các em bé, biến chứng này làm cho thai chết lưu, khiến trẻ sơ sinh bị chết non, để lại nhiều biến chứng và gây bệnh tật ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, phụ nữ mang thai, nhất là vào giai đoạn sau của thai kỳ, càng gần đến ngày dự sinh thì cần phải đặc biệt chú ý các dấu hiệu bất thường và có chế độ thăm khám thai hợp lý tại các cơ sở y tế.

Các triệu chứng thường gặp của tiền sản giật bao gồm: Đau đầu liên tục không dứt, hụt hơi, nhìn mờ, nhìn thấy các điểm hoặc các thay đổi về thị lực khác, đau ở bụng trên hoặc vùng vai, buồn nôn và ói mửa, tăng cân đột ngột, sưng phù tay chân hoặc mặt. Khi tiền sản giật tiến triển nặng hơn còn có thể bị đau bụng, đau đầu dữ dội, suy giảm chức năng gan, huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên, có dịch ở trong phổi, giảm số lượng tiểu cầu trong máu và co giật.

Thai phụ có nguy cơ mắc tiền sản giật khi có tiền sử tiền sản giật trong lần mang thai trước đây, đa thai (sinh đôi trở lên), tiền sử gia đình bị tiền sản giật, béo phì, trên 35 tuổi, tiền sử bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc bệnh thận trước khi mang thai, tiền sử bệnh tuyến giáp. Biến chứng của bệnh rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và con. Đối với mẹ sẽ gây ra cơn sản giật, co giật mạnh gây tổn thương não có thể dẫn tới tử vong; rau thai bị bong non; huyết áp quá cao dẫn đến tai biến mạch máu não, đột quỵ, bong võng mạc và suy tim; hội chứng HELLP; gây suy giảm chức năng gan và rối loạn đông máu; suy thận cấp; phù phổi cấp và suy tim cấp thường xảy ra trong lúc chuyển dạ hoặc một vài giờ sau đẻ. Đối với thai nhi có thể dẫn đến thai chết lưu, suy dinh dưỡng; tỷ lệ mổ lấy thai cao; tăng tỷ lệ trẻ sinh non tháng; tử vong sơ sinh ngay sau đẻ do ngạt, chấn thương, chảy máu phổi, chảy máu não thất…

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tiền sản giật trong thai kỳ, cần duy trì cân nặng hợp lý từ trước và trong suốt quá trình mang thai, thường xuyên vận động hoặc tập thể dục phù hợp, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, không nên ăn quá mặn để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Đi khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi những thay đổi bất thường trên cơ thể trong quá trình mang thai và báo với bác sĩ nếu thấy nghi ngờ, trường hợp đã từng bị tiền sản giật trong lần mang thai đầu cần theo dõi sát sao hơn.

Bài, ảnh: Thùy Trang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/198057/can-trong-voi-tien-san-giat-trong-thai-ky