Cần xây dựng luật, pháp lệnh để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác dân tộc

Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, rất cần xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao (luật, pháp lệnh) để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác dân tộc.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước.

Theo báo cáo, thời gian qua, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng nhiều chủ trương công tác lớn trong thực hiện chính sách và công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân DTTS và đồng bào có tôn giáo.

Hệ thống chính sách dân tộc nói riêng, chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN nói chung cơ bản đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh...

Hiện có 196 chính sách cụ thể được thực hiện tại vùng DTTS&MN, trong đó có 132 chính sách dân tộc. Ảnh: Bình Minh

Hiện có 196 chính sách cụ thể được thực hiện tại vùng DTTS&MN, trong đó có 132 chính sách dân tộc. Ảnh: Bình Minh

Hiện có 196 chính sách cụ thể được thực hiện tại vùng DTTS&MN (trong đó có 132 chính sách dân tộc), được phân loại thành các nhóm: 77 chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững (42 chính sách dân tộc); 42 chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm (25 chính sách dân tộc).

Ngoài ra còn có 14 chính sách y tế, dân số, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo trợ xã hội (14 chính sách dân tộc); 12 chính sách văn hóa, thể thao, du lịch (8 chính sách dân tộc); 20 chính sách thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý (15 chính sách dân tộc).

Đồng thời, có 26 chính sách đối với tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, thanh niên, người có uy tín (23 chính sách dân tộc); 1 chính sách hợp tác quốc tế về công tác dân tộc; 10 chính sách quốc phòng an ninh (5 chính sách dân tộc).

Phân loại theo nội dung, phạm vi áp dụng thì có 46 chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS, vùng DTTS&MN; 86 chính sách chung cả nước có nội dung ưu tiên đồng bào DTTS, vùng DTTS&MN; 64 chính sách chung cả nước.

Phân loại theo cơ quan chủ trì quản lý, chỉ đạo chính sách dân tộc, có 29 chính sách do Bộ Dân tộc và Tôn giáo chủ trì quản lý, 103 chính sách thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành khác.

Khắc phục tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước, hệ thống các chính sách về dân tộc giai đoạn 2021-2025 được thiết kế theo hướng đa mục tiêu, tập trung phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS&MN gắn với xây dựng nông thôn mới; tích hợp nhiều chính sách, dự án, đề án trong 1 chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần giảm số lượng chính sách, tránh tản mạn, chồng chéo về nội dung và địa bàn thực hiện.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có luật, pháp lệnh riêng để điều chỉnh lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc.

“Đây là một khó khăn khi xây dựng khung pháp lý làm cơ sở thực hiện công tác dân tộc. Các quy định pháp luật hiện còn thiếu, khá tản mạn trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nên rất cần xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao (luật, pháp lệnh) để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác dân tộc”, Bộ Dân tộc và Tôn giáo phân tích.

Mặt khác, việc nghiên cứu, lồng ghép các quy định liên quan đến công tác dân tộc tuy đã được quan tâm chú trọng, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

“Công tác rà soát, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách dân tộc, nhất là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, kịp thời, thống nhất, đồng bộ. Do đó, việc thực hiện chưa khả thi, người dân chưa được thụ hưởng chế độ, chính sách kịp thời theo quy định”, Bộ Dân tộc và Tôn giáo thẳng thắn nhìn nhận.

Tích cực hoàn thiện hệ thống chính sách về lĩnh vực dân tộc

Cũng theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, gần đây, Bộ đã và đang tích cực hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách, quy định liên quan tới lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc.

Một số nội dung đáng chú ý: Ban hành, triển khai các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc từ việc phân định lại các thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III; Rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III giai đoạn 2021-2025.

Giải quyết chế độ, chính sách đối với các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc cần phải điều chỉnh tên gọi, gắn với lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đến năm 2025;

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; Đề xuất giải pháp về việc phân định miền núi, vùng cao.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-xay-dung-luat-phap-lenh-de-hoan-thien-co-so-phap-ly-cho-cong-tac-dan-toc-2398013.html