Cần xây dựng những 'con sếu đầu đàn' trong kinh tế tư nhân

'Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 đã phác họa thành công bức tranh Khu vực kinh tế tư nhân sau 2 năm đổi mới với đủ đầy các gam màu sáng tối. Đại diện Chính phủ và các bộ, ngành cũng thừa nhận môi trường kinh doanh chưa thật sự thuận lợi, còn nhiều rào cản hạn chế kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cắt băng khai mạc triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cắt băng khai mạc triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân. Ảnh: TTXVN

Do đó, cần có những đột phá đổi mới sáng tạo. Các doanh nhân, doanh nghiệp cần phát huy chủ động, cạnh tranh lành mạnh, bứt phá. Đặc biệt, cần xây dựng những "con sếu đầu đàn" để KTTN đột phá phát triển.

7 phiên hội thảo chuyên đề diễn ra đồng thời sáng 2/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã “mổ xẻ” đủ đầy các vấn đề đang nổi cộm trong nền kinh tế đất nước, nơi có những lĩnh vực có doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu. Đó là việc làm sao để bức tranh du lịch thực sự khởi sắc, khách đến Việt Nam muốn ở lại lưu trú lâu dài. Cùng đó, làm cách nào để khơi thông dòng vốn trung dài hạn, rồi bức tranh khởi nghiệp sau 2 năm ra sao, những vấn đề trong xuất khẩu nông sản khi hội nhập, những rào cản đối với doanh nghiệp khi hiệp định thương mại CPTPP đã đến rất gần...

Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 đã bước vào phiên Toàn thể trong buổi chiều với sự tham dự của gần 2.500 doanh nghiệp. Đây cũng là phiên đối thoại “đặc biệt” lớn với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, gần 50 ủy viên trung ương Đảng, gồm bộ trưởng, thứ trưởng và lãnh đạo các tỉnh. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp là các hiệp hội, ngành hàng, cùng 2.500 doanh nghiệp khác.

2 năm và khát vọng vươn lên

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Theo Thủ tướng, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế. Đặc biệt 2018 là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp thành lập mới với số vốn kỷ lục. Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng. Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng thực tế 2 năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực này. “Khu vực này có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa”, Thủ tướng nói.

Làm thế nào để doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể tạo lợi thế cho bản thân và xã hội, đây là vấn đề khó nhưng với khát vọng vươn ra biển lớn, đổi mới sáng tạo sẽ là động lực quan trọng”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng nhấn mạnh: Gần 2 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng, diễn đàn hôm nay là cơ hội để Chính phủ lắng nghe các ý kiến, phát triển hơn nữa doanh nghiệp tư nhân. Làm thế nào để doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể tạo lợi thế cho bản thân và xã hội, đây là vấn đề khó nhưng với khát vọng vươn ra biển lớn, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng. Câu hỏi được Thủ tướng đặt ra: “Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, làm thế nào để đẩy mạnh, phát triển các ngành nghề kinh tế?".

Thủ tướng cũng đề cập đến tinh thần DN với chí tiến thủ cao, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, cách tân DN. Doanh nhân cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng chống tham nhũng. “Bên cạnh đó là lòng yêu nước, với tinh thần dân tộc khát vọng vươn lên. Các DN tạo nên những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu”. Bàn về những quyết sách để các ý tưởng khởi nghiệp phát triển mạnh hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, về nguồn nhân lực, cần chú trọng số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), mở ra ngành mới, xu hướng mới... Bên cạnh đó là chính sách thu hút, giữ chân các nhà đầu tư. Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường. Về hạ tầng, theo Thủ tướng, Chính phủ và các bộ ngành chú trọng hạ tầng viễn thông thông minh. Về thị trường, cần tạo thị trường mới, thay đổi trong việc mua sắm đổi mới sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.

“Chúng ta cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn”, ông nói. Thủ tướng dùng các cụm từ cho khu vực này, đó là: Sự bình đẳng, được Bảo vệ, Khích lệ và Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân. Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, thành lập các trung tâm đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo tiền đề cho các mô hình khởi nghiệp thành công.

Từ góc độ một ban lớn của Đảng, trên cương vị là đơn vị soạn thảo Nghị quyết 10 về đổi mới khu vực KTTN (theo Hội nghị T.Ư 5 từ 2 năm trước đây) ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Phát triển KTTN lành mạnh là yêu cầu trong tiến trình xây dựng kinh tế. Theo ông Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh số 10 cho nghị quyết phát triển KTTN thể hiện mong muốn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước nhằm đạt được nhiều kết quả thắng lợi giống như nghị quyết khoán 10 trong ngành nông nghiệp.

Xây dựng những doanh nhân "con sếu đầu đàn"

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hóa về các chính sách kinh tế liên quan đến KTTN. Hết năm 2018, Việt Nam có 715.000 DN tư nhân, chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ông nhận định vẫn có một số vấn đề cần giải quyết như: thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế trong tạo điều kiện cho DN phát triển. Một vấn đề nữa là những chi phí tuân thủ pháp luật thời gian qua chưa được giải quyết tốt. Thời gian làm thủ tục quản lý còn nhiều. "Mục tiêu đặt ra đến 2020 phải có 1 triệu DN tư nhân hoạt động nhưng hiện tại mới đạt 715.000, đây là một thách thức”, ông Hiển nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, cho rằng cần xây dựng những “con sếu đầu đàn” trong thành phần KTTN, thông qua việc định hướng chính sách, lắng nghe, tiếp cận và đối thoại, từ đó chọn lọc và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, phát triển thành phần KTTN. Song song với đó, các doanh nghiệp phải vươn lên sáng tạo, có tâm huyết, có năng lực về vốn, sáng tạo, hoài bão và văn hóa.

Trước nhiều ý kiến của DN về thủ tục hành chính, nhũng nhiễu, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hải quan cắt giảm thủ tục thông quan, tiết kiệm thời gian và tiền bạc đáng kể trong năm 2017. Năm 2018, các bộ, ngành trình 50 văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến nhiều thay đổi. Nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 69/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, năng lực cạnh tranh toàn cầu xếp thứ 77/140, chỉ số ngành du lịch logistic đứng thứ 39/160, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 26 bậc.

Trả lời về vấn đề ổn định chính sách, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, chính sách có khả năng dự báo nên cần có tính thống nhất trong hệ thống. Đây được xem là yếu tố quyết định hàng đầu khi đầu tư tại Việt Nam của DN nước ngoài. “Hiện có sự chồng chéo giữa các bộ luật”, ông Dũng thừa nhận và cho biết, Bộ KH&ĐT đang rà soát để đưa ra phương án giảm thiểu tình trạng này.

Với kiến nghị về thủ tục thành lập hãng hàng không, theo ông Dũng, đây là ngành nghề có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nên cần có thẩm quyền của Chính phủ. Doanh nghiệp xin cấp giấy kinh doanh của ngành dựa trên Luật Hàng không. Cơ quan quản lý cũng sẽ rà soát nếu các điều khoản của luật liên quan trùng lặp sẽ tiến hành lược bỏ như điều kiện về vốn.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đưa ra thông điệp Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, KTTN là động lực của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế cá thể, cùng với KTTN sẽ là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Theo ông Bình, những thành công hiện chỉ là bước đầu, nhiều thách thức trong phát triển KTTN chưa được khắc phục; môi trường kinh doanh chưa thật sự thuận lợi, nhiều rào cản còn hạn chế KTTN.

Để thúc đẩy KTTN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị một số vấn đề lớn: Cần xác định trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế trong những năm tới là KTTN; Đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi; Triển khai đồng bộ các chính sách giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển DN, hỗ trợ DN vừa và nhỏ, khuyến khích phát triển các DN quy mô lớn, các tập đoàn KTTN, các tập đoàn kinh tế hỗn hợp; Tái cấu trúc khu vực DN nhà nước và thu hút chọn lọc các DN FDI, để vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa tạo dư địa cho phát triển KTTN...

TUẤN NGUYỄN- KHÁNH HUYỀN

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/can-xay-dung-nhung-con-seu-dau-dan-trong-kinh-te-tu-nhan-1410246.tpo