CẦN XÂY DỰNG SỨC 'ĐỀ KHÁNG', GIÚP HỌC SINH TỰ PHÂN BIỆT ĐƯỢC TỐT, XẤU THÔNG QUA NỘI HÀM MỖI MÔN HỌC
Tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp. Những vụ việc bạo lực học đường đau lòng trong thời gian vừa qua phần nào đã phản ánh văn hóa học đường chưa thực sự được quan tâm đúng mức... Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, để ngăn chặn tận gốc vấn đề này, cần xây dựng cho học sinh sức đề kháng, tự phân biệt được cái tốt, cái xấu thông qua nội hàm mỗi môn học.
Đây cũng là vấn đề trong phiên chất vấn cũng như phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6 được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Mỗi năm học, nước ta xảy ra hơn 1.500 vụ bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường; cứ 5.200 học sinh lại có 1 học sinh đánh nhau... Những vụ việc ngày càng nghiêm trọng lại gióng lên hồi chuông báo động về chuẩn mực, đạo đức học đường.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận tình trạng bạo lực học đường diễn biến khá phức tạp, bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ bạo lực học đường. Số vụ bạo lực học đường có nhiều học sinh tham gia, xảy ra cả trong trường học lẫn ngoài trường học thì số học sinh nữ tham gia nhiều hơn khiến ngành giáo dục lo lắng, tìm mọi cách để xử lý.
Trăn trở trước vấn nạn bạo lực học đường, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để ngăn chặn bạo lực học đường cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đổi mới về văn hóa ứng xử cho học sinh.
Bên cạnh đó, các đại biểu nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, có những giá trị văn hóa truyền thống đang bị cạnh tranh, còn những giá trị mới đang hình thành và chưa rõ, chưa được khẳng định. Do đó, đại biểu cho rằng, vấn đề này không chỉ của ngành Giáo dục mà còn là vấn đề của ngành Văn hóa. Ngành Văn hóa cần có giải pháp để duy trì, phát huy giá trị văn hóa đạo đức truyền thống, đồng thời định hướng, thúc đẩy, hình thành giá trị văn hóa mới và có giải pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ rõ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó có nguyên nhân từ phía ngành giáo dục, trong trường học. Trong đó, trách nhiệm trong việc phát hiện và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực học đường vẫn đang giao cho giáo viên kiêm các công việc như tư vấn tâm lý, trách nhiệm của hiệu trưởng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, bạo lực học đường có lẽ xưa nay vẫn có, nhưng gần đây có dấu hiệu gia tăng về mức độ và tính chất đáng lo ngại. Bạo lực học đường hiện nay không chỉ là vấn đề động chân, động tay mà còn bạo lực cả về tinh thần, tức là xúc phạm nhân phẩm nhau. Đáng lo ngại là học sinh, bè bạn chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Chúng ta cần có thái độ cương quyết loại bỏ tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực học đường.
Tuy nhiên, một phần các hiệu trưởng và giáo viên trực tiếp khi phát hiện những tình huống dẫn đến bạo lực học đường vẫn còn phần lúng túng về kỹ năng xử lý. Một phần khác cũng do dịch bệnh kéo dài học sinh học online lâu nên dẫn đến vấn đề về mặt tâm lý...
Về nguyên nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có nhiều nguyên nhân, một phần do tác động của phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội. Hiện nay, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, Internet của học sinh dễ dàng hơn trước. Mà trên Internet thì không phải toàn thông tin tích cực, đó còn vô vàn thông tin tiêu cực, trẻ em rất dễ học theo. Vì vậy, cần làm sao để xây dựng sức đề kháng cho các em, ngoài định hướng các em tiếp cận thông tin lành mạnh, hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực thì cần giúp các em tự nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu không nên học theo.
Ngay trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã phát biểu về vấn đề này. Từ chủ trương thành hành động đòi hỏi rất kiên trì bởi thay đổi nhận thức và hành vi con người cần làm thường xuyên, liên tục, lâu dài.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, hàng năm với con số 220.000 vụ ly hôn, từ 70-80% có lý do liên quan đến xung đột và bạo lực gia đình. Với tỉ lệ như vậy, học sinh trong các gia đình có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi. Môi trường gia đình như vậy thì số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực trong nhà trường có tỉ lệ lớn.
Do đó, việc ngăn chặn, giải quyết những vấn đề gia đình là một câu chuyện rất quan trọng. Bên cạnh đó, những vấn đề ảnh hưởng của mạng xã hội, phim ảnh, đặc biệt là những bộ phim được giới trẻ quan tâm thì mô típ về bạo lực tập thể, quay lại đưa lên mạng đang rất phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân, và cũng mong là các ngành có liên quan hỗ trợ cùng ngành giáo dục để giải quyết vấn đề lớn này.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, tính nêu gương của người lớn, gia đình rất quan trọng với trẻ em. Bởi người lớn đã có nhận thức đầy đủ nên trẻ thường học và làm theo người lớn. Chính vì thế, người lớn hành động, suy nghĩ thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em. “Tôi cho rằng, người lớn khi có mặt con trẻ phải hành xử mẫu mực, kiềm chế. Đừng để trẻ con tiếp xúc với những hành vi tiêu cực, ngược lại để trẻ tiếp xúc với cách ứng xử tích cực.”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc nêu quan điểm.
Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, để góp phần ngăn chặn bạo lực học đường, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa văn hóa ứng xử và đạo đức học đường vào môn học chính khóa hay ngoại khóa từ mầm non đến trung học phổ thông, với nội dung và phương pháp giáo dục cần thiết thực, hiệu quả, dễ học, dễ nhớ, dễ thực hành.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, văn hóa học đường nằm trong nội dung mỗi môn học từ bài học tiếng Việt, tiếng Anh hay các môn học khác. Nếu các môn học được thiết kế có tính giáo dục cao thì sẽ rất tốt cho học sinh.
“Đơn cử, bây giờ ra đường nếu người lớn có ý định vượt đèn đỏ thì trẻ con nhắc ngay. Đấy là do các em được giáo dục từ nhỏ phải tuân thủ luật giao thông. Nhưng có người nói, trẻ khi còn nhỏ thì có ý thức cao nhưng lớn hơn thì giảm dần độ tự giác, tôi cho rằng ngoài yếu tố giáo dục thì cần quản lý xã hội nghiêm minh đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Có xây, có chống thì giúp hành vi nhận thức của mọi người tốt hơn.”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.
Nội hàm của môn học rất quan trọng. Đơn cử, trước đây có bài học hai con dê cùng đi qua một chiếc cầu. Từ chuyện nhỏ giải thích cho các em, hai con dê qua cầu nếu nhường nhịn sẽ mang đến sự tích cực thế nào, không nhường nhịn thì sẽ ra sao. Bài học đó được áp dụng khi tham gia giao thông, khi tắc đường mỗi người nhường nhịn nhau một chút thì tốt thế nào, không nhường sẽ ra sao. Đấy chỉ là một trong nhiều bài học để học sinh có thể học được trong sách. Nội dung bài học trong sách cố gắng thiết kế khoa học để học sinh tự cảm nhận được cái gì là tốt để dần hình thành nhân cách của các em.
“Tôi nhấn mạnh lại là phải làm sao xây dựng cho các em sức đề kháng, tự phân biệt được cái tốt, cái xấu từ đó các em sẽ hướng theo cái tốt, cùng tham gia loại bỏ cái xấu.”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho hay.
Về giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, cần áp dụng tổng thể đồng bộ một loạt giải pháp với sự vào cuộc của toàn thể xã hội. Với trách nhiệm của ngành Giáo dục, bộ đã tính đến giải pháp rất cụ thể với mức độ ưu tiên như tăng cường kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh đối với bản thân mình của học sinh. Đây là trang bị kỹ năng sống rất quan trọng khi có vấn đề phát sinh cần xử lý, ứng xử với mạng xã hội, giao tiếp xã hội có nguy cơ phát sinh bạo lực học đường.
Về phía giáo viên chủ nhiệm, ngành sẽ tập huấn kỹ năng xử lý các vấn đề xảy ra với học sinh. Đây là một khâu rất quan trọng. Đặc biệt, sắp tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sửa Thông tư 16/2017/TT có thêm vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường. Theo bộ trưởng, trước đây, vị trí này chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm và tính theo giờ nên rất hạn chế. Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, khâu quan trọng tạo nền tảng giải quyết vấn đề này là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam, bởi đây mới là gốc rễ của việc xử lý vấn đề bạo lực học đường./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83040